Giáo dục

Chuyện trường, chuyện lớp

Để chương trình giáo dục địa phương đạt hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là một bộ phận không thể tách rời, nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, truyền thống, địa lý, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị xã hội, môi trường của địa phương; bồi dưỡng cho các em tình yêu quê hương, ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của thực tiễn.

Tại Gia Lai, chương trình Giáo dục địa phương đã được triển khai ở các bậc học, đem lại những hiểu biết và trải nghiệm học tập thú vị, ý nghĩa cho cả giáo viên và học sinh. Với sự phân bổ chương trình theo từng bậc học, từng lĩnh vực, nhóm chủ đề cùng sự phong phú, đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, các giờ học Giáo dục địa phương đã đưa các em về với mảnh đất mình đang sống, tìm hiểu về lịch sử, về tiềm năng thế mạnh của vùng đất quê hương cũng như chiều sâu văn hóa các dân tộc, qua đó vừa phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh theo mục tiêu của chương trình Giáo dục địa phương 2018, vừa góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, đồng thời giáo dục ý thức trách nhiệm xây dựng và phát triển đời sống văn hóa, tinh thần và kinh tế-xã hội của tỉnh nhà.

Qua thực tế dạy học chủ đề “Mỹ thuật dân gian của dân tộc Bahnar, Jrai” trong chương trình Giáo dục địa phương lớp 11 tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, học sinh rất hứng thú với những nét đặc sắc của mỹ thuật dân gian các dân tộc thiểu số, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc và nghệ thuật trang trí của 2 dân tộc qua những sản phẩm, công trình như điêu khắc tượng nhà mồ, trang trí hoa văn trên thổ cẩm, trang trí và điêu khắc nhà rông…

Những tri thức cụ thể, sống động không chỉ mở mang hiểu biết cho các em về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số mà còn giáo dục ý thức bảo vệ, trân quý, tự hào về văn hóa địa phương.

Các em học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hùng Vương trong giờ Giáo dục địa phương với chủ đề “Mỹ thuật dân gian của dân tộc Bahnar, Jrai”. Ảnh: H.H.P

Các em học sinh lớp 11 Trường THPT chuyên Hùng Vương trong giờ Giáo dục địa phương với chủ đề “Mỹ thuật dân gian của dân tộc Bahnar, Jrai”. Ảnh: H.H.P

Thú vị và bất ngờ nhất là phần vận dụng của học sinh, khi các em được trải nghiệm sáng tạo mỹ thuật, mô phỏng các tác phẩm điêu khắc, trang trí của người Bahnar, Jrai. Từ bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của tuổi trẻ, từ niềm say mê mỹ thuật dân gian và ý thức học tập tốt, các em học sinh đã tạo ra rất nhiều sản phẩm mô phỏng xinh xắn, sát với thực tế như mô hình nhà rông với kiến trúc đặc trưng mái cao, mái thấp có đường viền bờ nóc, có cầu thang lên xuống, mô hình tượng nhà mồ với đủ hình dạng như tượng khỉ, tượng chó, tượng người đánh trống, tượng trai làng, tượng phụ nữ mang thai hay tượng người ôm mặt…

Các sản phẩm đa phần được làm từ vật liệu thô sơ như bìa carton, đất nặn, tăm tre và các miếng gỗ nhẹ, mỏng ghép lại. Các em cũng thực hành trang trí nón, gùi, túi xách, trang phục truyền thống bằng những hoa văn độc đáo, đặc sắc của người Bahnar, Jrai.

Thực tế cho thấy, khi được hỏi về lịch sử, địa lý và văn hóa địa phương, nhiều học sinh hiểu biết còn khá mơ hồ dù các em được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Gia Lai này. Như việc thường xuyên nhìn thấy những tượng mồ, những đường nét hoa văn trang trí trên nhà rông hay trên trang phục của người Bahnar, Jrai nhưng các em không để tâm tìm hiểu nên không biết được ý nghĩa, giá trị văn hóa lịch sử, cách tạo dựng, bảo tồn và phát triển ra sao, chưa kể kiến thức thực tiễn về địa phương ở nhiều lĩnh vực khác vẫn còn là khoảng trống.

Thiết nghĩ, để chương trình Giáo dục địa phương đạt hiệu quả, trước hết người dạy, người học cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ dạy học bằng việc chuẩn bị tâm thế dạy và học, lựa chọn các hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp, sau nữa cần đề cao vai trò chủ thể học tập, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Chỉ khi học sinh được tắm mình trong không gian văn hóa-xã hội của địa phương, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn bằng cách tự tìm tòi, khám phá, trải nghiệm với chính tâm hồn và khối óc của các em, khi đó học sinh mới thực sự thấy hứng thú với giờ học, mới biết trân quý, tự hào về lịch sử, biết yêu mến và gắn bó, có ý thức vun đắp và xây dựng quê hương mình ngày một giàu đẹp hơn.

Có thể bạn quan tâm