Sống trẻ - Sống đẹp

Đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2017

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

PGS. TS Lê Hoàng Sơn sở hữu nhiều công trình nghiên cứu khoa học áp dụng vào thực tế các nước phát triển ở châu Âu, châu Mỹ nhưng ít ai biết rằng anh từng đối mặt với thần chết. Khao khát cống hiến cho nước nhà, TS Sơn cho rằng phát triển khoa học công nghệ ứng dụng cần phải xây chắc từ nền móng, phải có kiến thức và sự học hỏi không ngừng.

Bắt đầu từ con số 0

Gặp PGS. TS Lê Hoàng Sơn ở phòng làm việc thuộc Trung tâm Tính toán hiệu năng cao (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQGHN), chúng tôi có phần bất ngờ khi thấy anh chìa tay trái ra bắt tay mời khách ngồi. Trong câu chuyện về cuộc đời, nghề nghiệp, tế nhị hỏi riêng chuyện về cái tay phải, anh cười như không có chuyện gì xảy ra. “18 năm rồi, bây giờ gần như bình thường rồi. Do mình tập quá sức nên bị tai biến”, anh Sơn nói.

 

PGS TS Lê Hoàng Sơn đang truyền đạt kiến thức về trí tuệ nhân tạo tới đồng nghiệp và học trò.
PGS TS Lê Hoàng Sơn đang truyền đạt kiến thức về trí tuệ nhân tạo tới đồng nghiệp và học trò.

Nhớ lại lúc đó, anh Sơn bảo, bị nặng đến mức đưa vào nhà A9 của Bệnh viện Bạch Mai. “Vào nhà A9 là bị nặng lắm. Ngay đằng sau đó là nhà xác của bệnh viện. Cũng may, phòng có 10 người thì 9 người đi cửa sau, còn mình ra cửa trước…”, anh Sơn cười nói. Vượt qua cửa tử, những ngày sau đó của anh cũng khó khăn không kém. Anh phải nghỉ học một năm ở nhà chữa trị và tập luyện. Anh được gia đình đưa sang Singapore phẫu thuật. Hồi đó y học bên Singapore đã phát triển, họ dùng tia Gamma chiếu trực tiếp vào đầu anh chứ không dùng dao mổ. Sau đó là một quá trình hồi phục khá thần kỳ của anh.

Quay trở lại trường lớp, sức khỏe yếu, hầu như ngày nào cũng phải có người đưa anh đi học, thậm chí phải có người thân ngồi học cùng bàn. “Đúng là bắt đầu từ con số 0”, anh Sơn nhớ lại. Vượt qua những khó khăn, anh thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, anh được giữ lại ở trường và làm việc tại Trung tâm Tính toán hiệu năng cao (ĐH Khoa học Tự nhiên). Đến nay, anh đã có 100 công bố khoa học, trong đó có 48 bài báo trên các tạp chí uy tín thế giới trong hệ thống SCI/SCIE... Anh cũng thực hiện nhiều nghiên cứu ứng dụng thực tế ở cả Việt Nam và quốc tế như hệ thống 3D GIS trong thiết kế hạ tầng mạng viễn thông, xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android, xây dựng ứng dụng quản lí địa chính trên Iphone…

Đi tìm lời giải những bài toán khó

“Bây giờ là thế giới phẳng rồi”, anh Sơn nói khi kể về các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Có đến hơn nửa công trình nghiên cứu của anh được ứng dụng ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong đó có những nước đi đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Italia, Đức...Anh Sơn bảo, sau khi tốt nghiệp ĐH, anh có cơ hội ra nước ngoài làm, nhưng do điều kiện gia đình, anh chọn ở lại công tác tại trường. Trong thời gian học thạc sĩ và nghiên cứu sinh, anh có cơ hội làm việc với các chuyên gia nước ngoài. Cũng từ đây anh nhận được đơn “đặt hàng” nghiên cứu về các hệ thống tối ưu mạng viễn thông trên địa hình ba chiều, ứng dụng tại tỉnh Bolzano - Bozen của Italy. “Đây là một bài toán thú vị liên quan nhiều đến lý thuyết tối ưu toán học, mạng viễn thông, hệ thông tin địa lý (GIS), hệ động. Mình và nhóm nghiên cứu đã triển khai một số thuật toán thông minh trong 3D GIS và cài đặt thử nghiệm tại tỉnh Bolzano. Đến nay, họ đã nâng cấp trên nền tảng này và tiếp tục sử dụng”, anh Sơn cho biết.

Thời gian sau đó, anh tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp Italia, Đức và Mỹ trong một số đề tài tương tự. Anh được bệnh viện ở New York (Mỹ) đặt hàng xây dựng ứng dụng hiến máu trên Android. Xuất phát từ thực tiễn, anh xây dựng một ứng dụng kết nối, chia sẻ thông tin về những người cần máu, bệnh viện cần máu, những người muốn hiến máu. Qua đó bệnh viện, người bệnh có thể tìm kiếm được nguồn máu, nhu cầu, các thông số phù hợp về nhóm máu, cân nặng, độ tuổi... “Nói thì đơn giản nhưng phải xử lý nhiều vấn đề lắm. Cùng một thời điểm biết bao nhiêu người cần máu, bao nhiêu yêu cầu khác nhau. Ví dụ có ba bệnh viện cần máu nhưng chỉ có 2 người cung cấp thôi thì làm thế nào? Bài toán đó cực kỳ khó, phải xử lý rất nhanh vì liên quan đến tính mạng người bệnh”, anh Sơn chia sẻ.

Ở trong nước, anh Sơn cùng các cộng sự đang hợp tác với các viện, các trường làm đề tài liên quan đến công nghệ tin học và công cụ hỗ trợ. Có thể kể đến đề tài kết hợp với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội thiết kế các thiết bị hỗ trợ chẩn đoán. Cụ thể, một chiếc đồng hồ có thể đo các chỉ số huyết áp, nhịp tim... từ đó giúp bác sĩ có thêm cơ sở để đưa ra kết luận chính xác về tình hình sức khỏe. Hay đề tài đo đạc chỉ số giải phẫu cho người Việt.

“Mình và các đồng nghiệp đã phải đọc rất nhiều tài liệu về giải phẫu để tìm hiểu, thu thập số liệu, đi thực địa, có thông số đưa vào phần mềm. Sau này, bất cứ người nào cũng có tích hợp số liệu luôn. Đó là công cụ phục vụ y học giải phẫu, đánh giá mức độ thẩm mỹ do tai nạn...”, anh Sơn nói và kỳ vọng, trong tương lai không xa, thiết bị đo đạc các chỉ số sức khỏe của anh và các cộng sự sẽ được sản xuất đồng loạt và có thương hiệu như đồng hồ Apple bây giờ.

Trường Phong/tienphong

Có thể bạn quan tâm