Thời sự - Bình luận

Để hạnh phúc lan tỏa trong trường học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Năm học 2024-2025 là năm thứ hai ngành giáo dục và đào tạo TPHCM triển khai mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Tháng 10-2023, TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước ban hành bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.

Trong đó, có 6 tiêu chí về con người, 8 tiêu chí về dạy học và hoạt động giáo dục, 4 tiêu chí về môi trường. Ở từng tiêu chí, cơ sở giáo dục được đánh giá ở 3 mức độ là cần cải thiện, khá, tốt.

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu, xây dựng trường học hạnh phúc phải dựa trên nhu cầu tự thân của cơ sở giáo dục, không nhằm chạy theo thành tích. Qua hơn một năm thực hiện, mô hình đã bước đầu tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác tổ chức dạy và học, tăng cường sự kết nối giữa các lực lượng trong nhà trường gồm giáo viên với cán bộ quản lý, giáo viên với học sinh và phụ huynh.

Trong bối cảnh ngành giáo dục và đào tạo đang “về đích” lộ trình triển khai cuốn chiếu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, mô hình trường học hạnh phúc là một sự cộng hưởng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp giáo dục chuyển mục tiêu từ truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất cho người học. Trong đó, trường học hạnh phúc hướng đến việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh đến phụ huynh đều được bày tỏ quan điểm, được tạo điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy năng lực cá nhân.

Có thể kể ra nhiều mô hình, cách làm sáng tạo của các trường học trên địa bàn TPHCM như tăng cường các dự án học tập kết hợp nhiều môn học, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, tổ chức thường xuyên các buổi đối thoại giữa ban giám hiệu với học sinh các khối lớp, triển khai các sáng kiến xây dựng môi trường học tập xanh - sạch - đẹp… Nhờ những nỗ lực đó, không gian học tập được đổi mới từ nội dung đến hình thức, phương pháp học tập và kiểm tra, đánh giá học sinh.

Để xây dựng thành công trường học hạnh phúc, đội ngũ giáo viên là mắt xích quan trọng giúp hiện thực hóa các mô hình, mục tiêu đề ra của trường học. Không chỉ truyền dạy cho học sinh kiến thức văn hóa, thầy cô còn rèn luyện cho các em đạo đức làm người, lối sống lành mạnh, tích cực, biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Khi đó, giáo dục không còn hướng đến mục tiêu duy nhất là điểm số. Thay vào đó, trường học là nơi nói "không" với bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Trong môi trường được đảm bảo an toàn đó, giáo viên và học sinh có thể đồng hành, cảm thông, chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.

Câu hỏi được đặt ra là trên hành trình hướng đến mục tiêu lý tưởng đó, làm sao để người dạy và người học cảm thấy thoải mái, được yêu thương, tôn trọng, tham gia các hoạt động dựa theo nhu cầu tự thân chứ không phải vì mục tiêu thành tích, đánh giá thi đua của đơn vị? Điều này đòi hỏi sự khéo léo, chủ động, sáng tạo của lãnh đạo các trường học, biết lựa chọn mô hình phù hợp, không chạy theo cách làm của số đông. Môi trường giáo dục chỉ thật sự an toàn, hạnh phúc khi tất cả chủ thể đều được tôn trọng, phối hợp tốt với nhau trên cơ sở ý thức và tinh thần trách nhiệm.

Theo THU TÂM (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm