Điểm đến Gia Lai

Để khai thác hiệu quả Khu di tích lịch sử cách mạng Krong

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Công trình phục dựng nơi làm việc của Tỉnh ủy Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai) đã hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn đầu. Tuy nhiên, theo chúng tôi, để khu di tích lịch sử cách mạng này đáp ứng những điều chúng ta mong muốn khi đưa vào khai thác thì cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sao cho xứng tầm với nơi được coi là “địa chỉ đỏ”, nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
 Cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng Krong. Ảnh: Đức Thụy
Cán bộ, viên chức Báo Gia Lai thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng Krong. Ảnh: Đức Thụy
Trước hết là cần đầu tư nâng cấp con đường từ đường Trường Sơn Đông vào trung tâm xã Krong. Cùng với đó cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch tổng thể và cụ thể, chi tiết cả khu vực di tích và cụm di tích. Bởi ngoài khu vực xã Krong ngày nay, có một số cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các khu (huyện) khi xưa còn đứng chân ở một số xã (mới) khác. Theo sơ đồ thể hiện vị trí các cơ quan, ban ngành, đơn vị của tỉnh và các huyện trong cụm di tích hiện đang đặt ở phòng Ban Quản lý Khu di tích, chúng tôi thấy còn thiếu rất nhiều. Tuy thời gian đã lùi xa nhưng hiện vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ, quân dân chính Đảng từng công tác trong khu căn cứ, sức khỏe còn tốt, tinh thần minh mẫn, có thể nhớ và xác định chính xác những nơi mà trước 30-4-1975 cơ quan, đơn vị họ đứng chân. Để xác định được các vị trí đó, trước mắt cần xây dựng bia ghi mốc lịch sử của từng ban ngành, đơn vị. Theo chúng tôi, không nên để thiếu một cơ quan, ban ngành, đơn vị nào. Theo sơ đồ chúng tôi vừa nói trên, ngay cả các ban Đảng, các cơ quan phục vụ cho Tỉnh ủy ngày xưa ở khu vực dọc theo Đak Lơpa cũng không thấy thể hiện, như: Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra (Ban Kiểm tra) Tỉnh ủy... cũng chưa được ghi.
Cần có sa bàn (mô hình) điện tử và nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật riêng biệt, không thể trưng bày chung với nhà của Ban Quản lý Khu di tích. Và hiện chúng tôi thấy hình ảnh và hiện vật được trưng bày ở nhà Ban Quản lý còn nghèo nàn, không khoa học. Nên có một đợt kêu gọi mọi người hiến, tặng các hình ảnh và hiện vật có liên quan đến hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, của cán bộ, chiến sĩ, nhất là những người có công lớn, có thành tích cao đã được Đảng, Nhà nước, địa phương ghi nhận, khen thưởng trước ngày giải phóng. Bên cạnh đó là tổ chức những cuộc hội thảo, giao ngành chức năng biên soạn nội dung cốt lõi về lịch sử ra đời, hình thành, phát triển của khu di tích để làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền và thuyết minh cho khách tham quan một cách thống nhất. Cũng cần biên soạn, xuất bản sách, tài liệu về khu di tích, phát hành rộng rãi trong và ngoài tỉnh, kể cả quảng bá trên bản đồ du lịch của tỉnh và khu vực.
Ngoài ra, quy hoạch chi tiết cho việc trồng cây lưu niệm, dành vị trí trang trọng cho các đồng chí lãnh đạo ở Trung ương, tỉnh bạn... khi về thăm di tích trồng cây lưu niệm (nếu có nhu cầu). Xác định chủng loại cây trên cơ sở thổ nhưỡng, khí hậu và giá trị, tuổi thọ... để huy động các ngành, đoàn thể, địa phương đến trồng trong khu di tích, có người chăm sóc bảo vệ cây đã trồng. Cũng rất cần có những quầy bán hàng lưu niệm là những sản vật của địa phương, những đồ dùng trong thời kháng chiến được tái tạo, những sản phẩm văn hóa, lịch sử, tài liệu, sách báo có liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước... Và vấn đề cuối cùng, theo chúng tôi, đó là cần thành lập một ban quản lý di tích gồm những người nhiệt tình, có năng lực, am hiểu về lĩnh vực lịch sử, văn hóa, về bảo tàng, bảo tồn... nhằm quản lý và khai thác khu di tích một cách hiệu quả nhất.
Đoàn Minh Phụng

Có thể bạn quan tâm