Xã hội

Để khát vọng Pleiku "cao nguyên xanh" trở thành hiện thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…

Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng bào các dân tộc Pleiku với tinh thần yêu nước, anh dũng, kiên cường, thủy chung, son sắc, một lòng một dạ đi theo Đảng, Bác Hồ, vượt qua muôn trùng khó khăn, gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách, góp phần cùng toàn tỉnh giải phóng quê hương vào ngày 17-3-1975,thực hiện được khát vọng độc lập tự do, hòa bình, thống nhất.

Một góc suối Hội Phú (TP. Pleiku) thơ mộng. Ảnh: Đ.T

Một góc suối Hội Phú (TP. Pleiku) thơ mộng. Ảnh: Đ.T

Sau ngày giải phóng, đồng bào các dân tộc Pleiku tiếp tục nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nỗ lực vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ thành phố, từ một đô thị hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, quân và dân TP. Pleiku bắt tay xây dựng lại từ đầu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Mốc son đánh dấu cho sự trưởng thành của đô thị Pleiku là vào ngày 24-4-1999, thị xã Pleiku được nâng lên thành phố (đô thị loại III) thuộc tỉnh Gia Lai theo Nghị định số 29/1999/NĐ-CP của Chính phủ. 10 năm sau đó, ngày 25-2-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 249/QĐ-TTg công nhận TP. Pleiku là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Gia Lai. Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, Pleiku tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định được vai trò và vị thế của một đô thị trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 146/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020, với số điểm 83,38/100 điểm, đạt 50/59 tiêu chuẩn.

Xây dựng và phát triển TP. Pleiku theo hướng “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ảnh: Phương Vi

Xây dựng và phát triển TP. Pleiku theo hướng “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe”. Ảnh: Phương Vi

Sau gần 50 năm giải phóng, nhất là sau gần 40 năm đổi mới, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp nhưng cùng chung một khát vọng và tầm nhìn, đó là xây dựng TP. Pleiku ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường, truyền thống cách mạng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Pleiku đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành được những thành quả phát triển trên nhiều lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Giờ đây, Pleiku đã khoác lên mình diện mạo mới khang trang, hiện đại. Trong nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025), kinh tế của thành phố đạt mức tăng trưởng gần 9,41%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp, trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 53,99%; công nghiệp-xây dựng chiếm 42,06%; nông nghiệp chiếm 3,95%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 110,47 triệu đồng/người/năm, gấp 1,29 lần so với đầu nhiệm kỳ. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo hướng bền vững, hiện thành phố còn 248 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,4%.

Đến nay, 100% số làng đồng bào dân tộc thiểu số có sân tập thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng; hơn 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân; 100% số trạm y tế xã, phường có bác sĩ khám-chữa bệnh; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 84,99% năm 2021 lên 93,5% năm 2023; sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, thành phố có 48/83 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 57,83%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng hoạt động, các mục tiêu quốc gia về y tế, giáo dục được quan tâm thực hiện.

Để có được những thành tựu nêu trên, Pleiku đã khai thác và phát huy hiệu quả bản sắc văn hóa con người đã được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng; là khát vọng vươn lên vì bình yên, hạnh phúc và phát triển của cá nhân, gia đình, cộng đồng và Tổ quốc…

Pleiku cần sớm ban hành nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Pleiku trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh: Phương Vi

Pleiku cần sớm ban hành nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Pleiku trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc. Ảnh: Phương Vi

Hiện nay, TP. Pleiku đang quyết liệt triển khai Quyết định số 1750/QĐ-TTg, ngày 30-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII, Thành ủy Pleiku đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết chuyên đề về phát huy các nguồn lực để đầu tư xây dựng và phát triển TP. Pleiku theo hướng “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe”, tất cả vì mục tiêu con người, vì sự bình yên, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân. Ðây cũng chính là niềm tin và khát vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân TP. Pleiku.

Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề đặt ra là làm sao khơi dậy mạnh mẽ ý chí quyết tâm, khát vọng phát triển Pleiku trong mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Một trong các giải pháp quan trọng cần triển khai là xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, con người Pleiku với các đặc trưng nhân văn, sáng tạo, khoa học, kết hợp chặt chẽ những giá trị văn hóa truyền thống với những giá trị, chuẩn mực hiện đại, hướng đến tương lai với những đức tính cơ bản như: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, bao dung, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp, bản lĩnh, tinh tế, thuỷ chung…

Để làm được điều này cả hệ thống chính trị của thành phố cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa “thực sự là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”, gắn với việc thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương Đảng và của Tỉnh ủy về văn hóa. Vì thế, cũng cần sớm ban hành nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Pleiku trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc.

Có thể bạn quan tâm