TN - Đất & Người

Để mất gần 200ha rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, trách nhiệm thuộc về ai?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều diện tích rừng bị lấn chiếm được người dân trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, thế nhưng đến nay, các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa làm rõ việc để mất rừng phòng hộ đầu nguồn này trách nhiệm thuộc về ai, đã khiến dư luận hết sức bức xúc.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng bị người dân lấn chiếm trồng cà-phê nhiều năm nay.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng bị người dân lấn chiếm trồng cà-phê nhiều năm nay.
Được giao quản lý, bảo vệ hơn 7.857 ha rừng phòng hộ đầu nguồn và đất lâm nghiệp nhưng từ năm 2014 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk đã thiếu trách nhiệm để rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái pháp luật với tổng diện tích hơn 198 ha.
Sau một thời gian thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra, rà soát diện tích rừng bị suy giảm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng vừa có báo cáo kết quả về diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị chặt phá, lấn chiếm, suy giảm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Theo đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng được giao quản lý, bảo vệ 7.857,60 ha rừng phòng hộ đầu nguồn và đất lâm nghiệp trên địa bàn các xã Ea Tam, Ea Puk, Ea Dăh, huyện Krông Năng, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 5.001,4 ha, rừng trồng 757,1 ha, đất quy hoạch cho phát triển rừng là 2.099,1 ha.
Qua quả kiểm tra, rà soát tại 130 lô trạng thái rừng thường xanh tại 7 tiểu khu, gồm: Tiểu khu 316, 320B, 323, 332, 333, 342A, 342B thuộc địa giới hành chính các xã Ea Tam, Ea Puk, Ra Dăh, huyện Krông Năng do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng quản lý, Đoàn kiểm tra của Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng phát hiện diện tích rừng bị suy giảm do phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật từ trước và sau năm 2014 đến nay lên đến 198,47 ha.

 Đường dẫn vào rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng gập gềnh đồi dốc và heo hút.
Đường dẫn vào rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng gập gềnh đồi dốc và heo hút.
Cụ thể, tại Tiểu khu 323 diện tích rừng bị suy giảm 39,08 ha; Tiểu khu 316 giảm 30,08 ha; Tiểu khu 320B giảm 32,50 ha; Tiểu khu 342A giảm 48,56 ha; Tiểu khu 342B và Tiểu khu 333 diện tích rừng bị suy giảm 4,79 ha. Thay vào đó, người dân đã trồng cà-phê, mắc-ca, cây ăn trái, làm ruộng nước, hoa màu và sử dụng vào mục đích khác…
Theo Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng, việc Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để tồn tại nhiều diện tích rừng bị biến động suy giảm chưa được theo dõi thường xuyên, dẫn đến tình trạng sai lệch giữa hồ sơ quản lý và hiện trạng thực tế từ trước và sau năm 2014 đến nay như không thiết lập hồ sơ ban đầu, không kịp thời báo cáo cơ quan chức năng, cấp có thẩm quyền để xử lý theo quy định; không xác định được chính xác thời điểm rừng bị phá, lấn chiếm và đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng… Trách nhiệm chính thuộc về Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.
Thế nhưng, đến nay các ngành chức năng của tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong lãnh đạo, tổ chức điều hành và trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng thì người đã nghỉ hưu, người thì chuyển sang làm lãnh đạo tại đơn vị quản lý, bảo vệ rừng khác, không ai chịu trách nhiệm về diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị mất khiến dư luận hết sức bức xúc.
Vì vậy, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý đối với lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng các thời kỳ; các tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý, bảo vệ rừng trên lâm phần được giao từ trước và sau năm 2014 đến nay.
Yêu cầu Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng khẩn trương xây dựng phương án giải tỏa thu hồi diện tích 198,47 ha đất bị phá, lấn chiếm để phục hồi, trồng lại rừng…
Theo tìm hiểu của phóng viên, được biết, trên cơ sở báo cáo và đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Krông Năng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương vừa ký Văn bản số 2688/SNN-TCCB về việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân không kịp thời báo cáo, đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.
Đối với ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô; ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Giám đốc khu Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, nguyên là cán bộ lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, cần phối hợp và tham gia Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, làm rõ nguyên nhân rừng bị suy giảm; xác định trách nhiệm, tồn tại, thiếu sót của từng cá nhân trong vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động của đơn vị để diện tích rừng được giao quản lý bị suy giảm.

 Một khu tái định cư cho đồng bào Mông ở xã Ea Dăh, gần với rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.
Một khu tái định cư cho đồng bào Mông ở xã Ea Dăh, gần với rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.
Đồng thời, tự kiểm điểm và nhận hình thức kỷ luật về những tồn tại, hạn chế của cá nhân trong lãnh đạo, điều hành hoạt động khi còn làm lãnh đạo tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng để rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá, lấn chiếm, suy giảm… với diện tích lớn.
Dư luận ở Đắk Lắk đang trông chờ kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của cấp có thẩm quyền tỉnh Đắk Lắk đối với các tập thể, cá nhân tại Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng.
Việc thiếu trách nhiệm để nhiều diện tích rừng nói chung, rừng phòng hộ đầu nguồn nói riêng bị phá, lấn chiếm trong thời gian dài với diện tích lớn nhưng không một tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm xảy ra tại nhiều đơn vị, công ty lâm nghiệp trên địa bàn như thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng không mang lại hiệu quả và tài nguyên rừng vẫn “chảy máu”.
NGUYỄN CÔNG LÝ (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm