Xã hội

Đề nghị duy trì giá trị sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết năm 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhiều đại biểu đề nghị vẫn cho phép duy trì giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đến hết 31.12.2022.

Sổ hộ khẩu. Ảnh: LĐO
Sổ hộ khẩu. Ảnh: LĐO


Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 10, sáng 21.10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi).

Liên quan tới quy định về thời hạn giá trị của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội đều tán thành với việc cần chuyển đổi sang phương thức quản lý cư trú mới và nhất trí quy định Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021 như đề xuất và cam kết của Chính phủ, song nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần có một số quy định có tính chất chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Qua thảo luận, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành.

Một số ý kiến nhất trí với quy định như trong dự thảo Luật đã trình tại kỳ họp thứ 9 là Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hết giá trị kể từ thời điểm Luật có hiệu lực thi hành là từ ngày 1.7.2021 bởi cho rằng phương thức quản lý cư trú mới là tiến bộ, cần được thực hiện ngay một cách đồng bộ; quy định như vậy cũng tạo áp lực để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thành sớm các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan tổ chức liên quan, do đó cần phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá toàn diện một cách thận trọng để tránh làm khó cho người dân.

Vị đại biểu đoàn Điện Biên đồng tình với phương án kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến 31.12.2022.

"Phương án này không làm ảnh hưởng đến quyết tâm của Chính phủ và Bộ Công an trong việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cư trú; đồng thời, cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho người dân" - đại biểu Trần Thị Dung nói.

Đồng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú để quản lý dân cư bằng dữ liệu điện tử là rất cần thiết.

Tuy nhiên, về điều khoản chuyển tiếp thì cần phải cho phép người dân kéo dài thời gian để chứng minh thông tin cư trú khi giao dịch với cơ quan chức năng.

Lý do là vì, Công an có thể đảm bảo được đến ngày 1.7.2021 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng các cơ quan Nhà nước khác sẽ không theo kịp như: Thuế, Hải quan, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội…

"Nếu đến thời gian này, khi người dân đến giao dịch mà cơ quan chức năng chưa cập nhật kịp thời, lại đòi hỏi những giấy tờ như trên sẽ gây phiền hà cho người dân" - đại biểu Hoà nêu ý kiến.

Cũng thảo luận liên quan tới vấn đề này, đại biểu Lê Quang Trí (Đoàn Tiền Giang), đại biểu Triệu Thanh Dung (Đoàn Cao Bằng) đều đồng tình với quan điểm kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến 31.12.2022.

 

https://laodong.vn/thoi-su/de-nghi-duy-tri-gia-tri-so-ho-khau-so-tam-tru-den-het-nam-2022-847191.ldo

Theo Vương Trần - Đặng Chung - Nguyễn Hà  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm