Giáo dục

Đề nghị mở rộng quy mô các trường đại học có ngành nông nghiệp tại Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đối với khu vực Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT đề xuất xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột, TP Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên; rà soát, mở thêm ngành học về nông nghiệp...
Tây Nguyên là "thủ phủ" cà phê, luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển.
Tây Nguyên là "thủ phủ" cà phê, luôn cần nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển.

Bộ NN-PTNT vừa có báo cáo về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên bao gồm 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Tây Nguyên là vùng có diện tích lớn thứ 3 trong 6 vùng của cả nước. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 54,548,3 km2 (chiếm 16,5% diện tích cả nước). Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả.

Tuy nhiên, Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tăng trưởng kinh tế thiếu bền vững, có xu hướng chậm lại. GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp. Chỉ số phát triển con người (HDI) thấp nhất cả nước. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp.

Bộ NN-PTNT cho rằng, những tồn tại trên có một phần do thiếu quan tâm, đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực. Hiện tại, chất lượng nguồn nhân lực được xem là rào cản và thách thức nhất cho phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở Việt Nam và khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, tại Tây Nguyên, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Tây Nguyên trong giai đoạn 2011-2021 tăng từ 3 triệu người năm 2011 lên 3,5 triệu người năm 2021, trung bình mỗi 2 năm tăng 93.000 người do dân số cả vùng tăng đều qua các năm.

Cơ cấu lao động của vùng Tây Nguyên vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông lâm thủy sản (chiếm gần 70% năm 2021). Tỷ lệ lao động qua đào tạo của Tây Nguyên đã được cải thiện trong giai đoạn 2011-2021 (tăng từ 10,9% lên 17%) nhưng vẫn còn thấp, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước.

Phần lớn dân cư ở Tây Nguyên là dân tộc thiểu số, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục nên tỷ lệ bỏ học cao. Tây Nguyên cũng là vùng có số lượng cơ sở giáo dục, đào tạo nghề, trường đại học, cao đẳng thấp nhất cả nước nên tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp.

Chất lượng nguồn nhân lực ngành nông lâm thủy sản của vùng còn tương đối thấp và chậm được cải thiện khi phần lớn lao động nông lâm thủy sản tại Tây Nguyên là lao động chưa qua đào tạo (chiếm 95,45% năm 2020) và tỷ lệ lao động nông lâm thủy sản qua đào tạo tăng rất chậm qua các năm (chỉ tăng từ 2,62% năm 2011 đến 4,55 % năm 2020).

Tính đến tháng 12-2022, Trung bộ có 4.267 HTX nông nghiệp, chiếm 22,04% của cả nước; vùng Tây Nguyên có 1.488 HTX nông nghiệp, chiếm 7,687%. Thế nhưng, tại Tây Nguyên, tỷ lệ lãnh đạo HTX có trình độ đại học chỉ khoảng 44%, còn gần 20% lãnh đạo không có trình độ chuyên môn. Trong khi, phần lớn lao động tại HTX có chuyên môn kỹ thuật nhưng chưa có bằng, lao động có bằng cấp chỉ chiếm chưa đầy 2%, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của cả nước.

Thời gian vừa qua, đào tạo đại học tại vùng Tây Nguyên đã dần gắn kết và phù hợp hơn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến năm 2022, trong vùng có 9 cơ sở giáo dục đại học và phân hiệu của các trường đại học, 4 trường cao đẳng sư phạm và 107 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó cơ sở ngoài công lập chiếm 28%).

Các trường đại học, cao đẳng trong khu vực hiện đang đào tạo các trình độ từ cao đẳng đến tiến sĩ với 4 ngành đào tạo cao đẳng, 133 ngành đào tạo đại học, 20 ngành đào tạo thạc sĩ và 11 ngành đào tạo tiến sĩ chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, chăn nuôi và quản trị, quản lý. Các trường đại học có đào tạo đại học trong vùng gồm: Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Tây Nguyên, Phân hiệu Đại học Lâm nghiệp tại Gia Lai…

Trường Đại học Đà Lạt

Trường Đại học Đà Lạt

Thế nhưng, Tây Nguyên là vùng có số lượng sinh viên đại học, cao đẳng thấp nhất cả nước. Tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng chỉ đạt 1,8%, trong khi vùng đứng thứ năm có tỷ lệ là 4,14% (vùng Trung du và miền núi Bắc bộ) và vùng đứng đầu có tỷ lệ là 40,9% (vùng đồng bằng sông Hồng). Điều này cho thấy tỷ lệ sinh viên đại học tại khu vực vẫn còn rất thấp so với bình quân cả nước.

Quan điểm của Bộ NN-PTNT về phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn vùng Bắc Trung bộ, duyên hải Nam Trung bộ và vùng Tây Nguyên là phải tạo bước đột phá bằng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, gắn với thúc đẩy quá trình nghiên cứu, chuyển giao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đối với khu vực Tây Nguyên, Bộ NN-PTNT đề xuất, xây dựng các trung tâm đào tạo chất lượng cao tại TP Buôn Ma Thuột, TP Đà Lạt; mở rộng quy mô các trường đại học, cao đẳng, trong đó ưu tiên phát triển Trường Đại học Tây Nguyên.

Tăng cường liên kết, hợp tác để đào tạo nhân lực trình độ cao, các ngành, nghề đáp ứng cho yêu cầu phát triển vùng. Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Có chính sách hỗ trợ học sinh, dân tộc thiểu số học nội trú, bán trú. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số.

Theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đến đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đối với khu vực miền Trung và Tây Nguyên là: Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 70% và khoảng 80% giám đốc HTX được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ NN-PTNT đề nghị các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp, trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát, đổi tên, mở mới ngành học, đổi mới chương trình, giáo trình song hành với bảo đảm chất lượng.

Bộ NN-PTNT đề nghị các doanh nghiệp đặt hàng đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp đối với cơ sở đào tạo; hỗ trợ người học, như hỗ trợ học phí, cấp học bổng và các giải thưởng cho sinh viên xuất sắc, đặc biệt các ngành nông nghiệp khó tuyển sinh, khó xã hội hóa; tiếp nhận sinh viên đến thực tập, tham quan thực tế; hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và tiếp nhận sau khi ra trường; thương mại hóa kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D); doanh nghiệp tham gia vào hội đồng trường để định hướng các hoạt động chiến lược của nhà trường.

Bộ NN-PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính có cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích đối với người học nghề nông nghiệp như miễn giảm học phí, tăng mức trợ cấp và có chính sách hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp.

Có thể bạn quan tâm