Xã hội

Để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ Công an vừa đưa ra Dự thảo thông tư về “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí”. Việc ra đời thông tư này sẽ đảm bảo quyền lợi rõ hơn đối với người tố cáo.

 Cần bảo vệ để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng lãng phí hơn nữa. Tranh: Đan
Cần bảo vệ để người dân mạnh dạn tố cáo tham nhũng lãng phí hơn nữa. Tranh: Đan



Còn nhiều lo ngại, không dám mạnh dạn tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nêu ra những con số khẳng định tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm; góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Cụ thể, Toàn ngành thanh tra đã triển khai 6.875 cuộc thanh tra hành chính (giảm 9% so với năm 2019) và 210.199 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (giảm 17% so với năm 2019). Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện nhiều vi phạm; kiến nghị thu hồi trên 44.580 tỉ đồng và trên 1.401ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 2.656 tập thể và nhiều cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 155 vụ, 135 đối tượng (so với cùng kỳ năm 2019, tăng 53 vụ).

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 54.770 tỉ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan điều tra; 2 vụ việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng.

Các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 531 vụ án, 1.245 bị can phạm tội về tham nhũng, trong đó khởi tố mới 290 vụ, 616 bị can (tăng 70 vụ, 101 bị can so với cùng kỳ năm 2019). Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp thụ lý giải quyết 350 vụ/962 bị can; đã giải quyết 246 vụ/692 bị can, đạt 75,4%.

Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 436 vụ với 1.175 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 269 vụ, 645 bị cáo phạm các tội tham nhũng. Về thi hành án hình sự trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 3.605 việc (đạt tỉ lệ 84,13% số vụ việc có điều kiện thi hành), tăng 9,42% so với cùng kỳ năm 2019. Số tiền thu được là hơn 15.017 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 43,42% số có khả năng thi hành (tăng 14,01%) so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Tổng thanh tra Chính phủ cũng đưa ra nhận định: Mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được quy định, nhưng trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ vẫn xảy ra khiến nhiều người lo ngại, không dám mạnh dạn tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng.

Từ thực tế cho thấy, hầu hết các vụ việc tham nhũng, lãng phí được phát hiện là qua thanh, kiểm tra trong khi những vụ việc, hành vi được xử lý thông qua đơn, từ tố các của cán bộ, nhân dân còn ít.

Từng bước xây dựng cơ chế bảo vệ người tố cáo

Việc bảo vệ người tố cáo đã được quy định trong Luật Tố cáo, Luật phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định số 22/2019/NĐ-CP ngày 25.2.2019 của Chính phủ quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân.

Tuy vậy, khi thực hiện vẫn còn chồng chéo, chưa cụ thể hoá quyền lợi của người tố cáo.

Ngày 5.9.2020, Thông tư số 03/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ vị trí công tác của người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực. Thông tư này được cho là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ người tố cáo.

Theo đó, cơ quan có thẩm quyền có thể tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ; xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.

Thông tư cũng quy định rõ việc không điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ các trường hợp trừ một số trường hợp. Bên cạnh đó, không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ, trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.

Tại dự thảo về “Quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục, biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí” đang lấy ý kiến, Bộ Công an quy định: Những người được bảo vệ gồm: Người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí; vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Người được bảo vệ đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư.

Việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ phải liên quan trực tiếp đến việc tố cáo về hành vi tham nhũng, lãng phí. Tài sản được bảo vệ là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người được bảo vệ và có giá trị thực tế từ 2.000.000 đồng trở lên.

Tại các quy định trước đây, việc bảo vệ tài sản của người tố cáo còn chung chung, dự thảo mới đưa ra mức 2 triệu đồng được cho là cụ thể hoá tài sản cần được bảo vệ của người tố cáo.

Việc ra đời những quy định mới chính là nhằm đảm bảo cho người dân tham gia mạnh mẽ hơn trong việc tố cáo những hành vi tham nhũng, lãng phí. Song song với việc bảo vệ, pháp luật cũng có nhiều cơ chế để việc bảo vệ này không bị lợi dụng. Tố cáo là quyền của công dân, được pháp luật bảo vệ nhưng pháp luật cũng quy định cụ thể những hành vi lợi dụng tố cáo để vu khống, làm nhục, gây rối, xúc phạm, làm mất uy tín, danh dự... người khác, cơ quan, tổ chức. các hành vi bị nghiêm cấm trong tố cáo như: Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo. Mua chuộc, hối lộ, đe dọa, trả thù, xúc phạm người giải quyết tố cáo. Lợi dụng quyền tố cáo để tuyên truyền chống Nhà nước, xâm phạm lợi ích của Nhà nước...

 


Bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo là một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận, xử lý đơn thư và giải quyết tố cáo. Nếu chính những người có thẩm quyền giải quyết tố cáo không tuân thủ nguyên tắc này thì sẽ không có một người dân nào dám đứng ra tố cáo các hành vi trái pháp luật, các vấn nạn tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội… do lo sợ bản thân và gia đình sẽ bị đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm, gây nguy hiểm, thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, tài sản. Luật sư Nguyễn Văn Hậu.


https://laodong.vn/thoi-su/de-nguoi-dan-manh-dan-to-cao-tham-nhung-850773.ldo


Theo MINH BẰNG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm