Thời sự - Bình luận

Để người lớn tuổi không bị bỏ lại phía sau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Công nghệ bùng nổ, trí tuệ nhân tạo đang thay thế hàng loạt công việc; dân số già hóa nhanh, tuổi hưu tăng, lực lượng lao động bị tinh giản.

Vậy những người lớn tuổi sẽ đi về đâu? Rút lui, sống chờ thời gian trôi qua hay tiếp tục học hỏi, thích nghi và khẳng định giá trị của mình?

Khi nghỉ hưu, rất nhiều người rơi vào trạng thái chơi vơi, mất phương hướng. Họ có kinh nghiệm, có kiến thức, nhưng lại không biết làm gì tiếp theo.

Ở Nhật Bản, nhiều người già vẫn làm việc, vẫn sáng tạo, vẫn đóng góp. Ở các quốc gia phát triển, người lớn tuổi liên tục tham gia các khóa học, cập nhật công nghệ mới, tận dụng kinh nghiệm của mình để khởi nghiệp hoặc cố vấn cho thế hệ sau. VN cũng có thể làm được nếu chúng ta phá bỏ suy nghĩ rằng "nghỉ hưu là nghỉ ngơi". Thật ra nghỉ hưu là cơ hội để làm điều mình thích, khám phá những điều mới và tiếp tục đóng góp theo cách phù hợp hơn.

Một thực tế khác là việc tinh giản biên chế trong khu vực nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ. Những lao động này có tri thức, có kỹ năng, và vẫn có thể làm việc hiệu quả nếu được tái đào tạo, định hướng đúng cách.

Nếu không hành động kịp thời, chúng ta sẽ đánh mất nguồn lao động chất lượng trong khi nền kinh tế thì vẫn đang khát nhân lực có kinh nghiệm.

Học tập suốt đời chính là chìa khóa để họ chuyển đổi nghề nghiệp, thích nghi với thời đại số, thậm chí tham gia vào các lĩnh vực mới như kinh doanh, giảng dạy, tư vấn hoặc khởi nghiệp… Vì vậy, học tập suốt đời không còn là khẩu hiệu mà trở thành lối thoát duy nhất để người lớn tuổi không bị bỏ lại phía sau, để họ tiếp tục làm chủ cuộc sống, đóng góp cho xã hội; thậm chí mở ra những cánh cửa mới mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới.

Nhưng để làm được điều này, không chỉ cá nhân phải thay đổi, mà cả nhà nước, doanh nghiệp, trường đại học cũng phải tham gia.

Đó là những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ với các giải pháp cụ thể từ nhà nước. Chẳng hạn hỗ trợ tài chính cho người lớn tuổi học tập, như trợ giá các chương trình đào tạo, thậm chí miễn phí cho những nhóm lao động bị tinh giản. Ưu đãi cho doanh nghiệp tuyển dụng người cao tuổi như giảm thuế, hỗ trợ chi phí đào tạo để doanh nghiệp thấy rằng tuyển dụng lao động lớn tuổi không phải gánh nặng mà là cơ hội. Phát triển hệ thống giáo dục mở cho mọi lứa tuổi bằng việc các trường đại học cần có chương trình đào tạo linh hoạt, học trực tuyến kết hợp thực tế để phù hợp với người lớn tuổi. Thúc đẩy mô hình "trường học cộng đồng" như biến các thư viện, trung tâm văn hóa thành nơi học tập suốt đời cho người cao tuổi.

Các trường đại học, cao đẳng cũng cần mở rộng các chương trình học tập suốt đời, xây dựng các chương trình học tập liên thế hệ, tận dụng người lớn tuổi làm giảng viên, cố vấn…

Nhưng dù chính sách tốt đến đâu, nếu người lớn tuổi không chủ động, thì tất cả vẫn chỉ là lý thuyết. Vì thế người lớn tuổi cần bước ra khỏi vùng an toàn, không ngại học công nghệ mới, không ngại thử sức với những lĩnh vực khác, chủ động tìm kiếm cơ hội học tập…

Nếu không thay đổi, hàng triệu người sẽ bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu hành động ngay, chúng ta sẽ có một lực lượng lao động lớn tuổi đầy kinh nghiệm, trí tuệ và vẫn tiếp tục tỏa sáng.

(*) Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công thương TP.HCM

Theo Thạc sĩ Phạm Thái Sơn (*) (TNO)

Có thể bạn quan tâm