TN - Đất & Người

Để nông sản Đắk Lắk tiến sâu vào thị trường Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhật Bản vốn được biết đến là thị trường “khó tính”, có nhiều tiêu chí khắt khe về tiêu chuẩn hàng hóa, không dễ thâm nhập. Đối với mặt hàng nông sản thì càng khó hơn, bởi phải qua các vòng “sát hạch” gắt gao. Tuy nhiên, khi xuất được sang thị trường này thì giá trị nông sản càng được khẳng định và cũng sẽ dễ dàng tiếp cận vào các quốc gia khác.
Nhật Bản là thị trường lớn, nhu cầu tiêu thụ nông sản cao và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn có khoảng gần 500.000 người đang sinh sống, làm việc tại Nhật Bản, cũng là một “kênh” tiêu thụ nông sản Việt hiệu quả.

Sản phẩm cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam.
Sản phẩm cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam.
Đắk Lắk có nhiều lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Theo thống kê của Sở Công thương, hiện nay tỉnh có 22 doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất khẩu thường xuyên, trong đó có 7 DN xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Trong số 7 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh thì có 3 mặt hàng đã chinh phục được thị trường này, bao gồm cà phê nhân, cà phê hòa tan và sáp ong. Điều đáng mừng hơn là kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có đà tăng trưởng tốt. Năm 2020 xuất khẩu sang Nhật Bản đạt kim ngạch gần 47,5 triệu USD, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2019.
Thời gian qua, nhiều loại nông sản của tỉnh đã chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng, hình thức, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của DN, người tiêu dùng Nhật Bản. Đơn cử như tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, trong niên vụ cà phê 2020 - 2021, Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của công ty với số lượng hơn 15.000 tấn.
Chúng tôi sẽ nỗ lực làm tốt vai trò là “cầu nối”, xúc tiến thương mại giúp DN Đắk Lắk nói riêng và DN Việt Nam nói chung tiếp cận sâu hơn vào thị trường Nhật Bản; đồng hành, phối hợp tốt để hỗ trợ DN kết nối với nhà nhập khẩu Nhật Bản". 
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương)
Đối với Công ty TNHH G20 Coffee G20 Việt Nam (TP. Buôn Ma Thuột), từ năm 2018 đã có sản phẩm chinh phục thị trường Nhật Bản. Ông Phạm Văn Quang, Giám đốc công ty cho hay, người tiêu dùng Nhật Bản khá ưa chuộng dòng cà phê hạt rang và cà phê bột. Thị trường Nhật Bản đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, bao bì. Khi đặt quan hệ để sản phẩm nhập vào thị trường này phải bảo đảm nhiều tiêu chuẩn, giám định về chất lượng, giám định tại nhà máy, kiểm tra vị sản phẩm, kể cả các quy định về nhà xưởng, nhân công... 
Thời gian qua, nông sản Việt Nam đã có chỗ đứng tại thị trường này, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những khó khăn bởi các tiêu chí kiểm duyệt khắt khe về chất lượng cũng như hình thức sản phẩm. Các DN xuất khẩu của tỉnh cho hay, thị trường Nhật Bản rất “khó tính”, họ có tiêu chuẩn về hàng hóa riêng với "hàng rào" kỹ thuật gắt gao. Một thị trường không chỉ đơn thuần tiến hành kiểm tra, xét nghiệm tồn dư về thuốc bảo vệ thực vật hoặc dư lượng kháng sinh mà còn yêu cầu nắm bắt được việc trồng trọt, chăm sóc theo kỹ thuật, phân bón, xử lý sâu bệnh... đối với hàng nông sản.
Chia sẻ kinh nghiệm để kinh doanh hiệu quả ở thị trường Nhật Bản, ông Phạm Văn Quang cho rằng, DN của tỉnh cần chú ý đến chất lượng sản phẩm và tìm hiểu kỹ về các tiêu chí chất lượng do thị trường này đề ra. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng cũng là điều mà DN muốn xuất hàng đi Nhật Bản cần lưu ý. Chẳng hạn, đối với mặt hàng cà phê, người tiêu dùng nước này hầu như chỉ ưa chuộng dòng Arabica. Điều họ quan tâm hàng đầu là yếu tố tác động đến sức khỏe, sau đó đến giá, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Phía đối tác Nhật Bản thường đến tận nơi kiểm tra quy trình, nhà máy trước khi chính thức đặt quan hệ làm ăn.

Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hội thảo hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Sở Công thương cung cấp
Đoàn công tác của tỉnh Đắk Lắk làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hội thảo hợp tác thương mại đầu tư Việt Nam - Nhật Bản năm 2019. Ảnh: Sở Công thương cung cấp
Để nông sản của tỉnh tiến sâu vào thị trường triển vọng bậc nhất châu Á này, Sở Công thương lưu ý DN địa phương cần công bố chi tiết về thành phần sản phẩm gồm các nguyên liệu, chất phụ gia sử dụng và quy trình sản xuất rõ ràng về tiêu chuẩn từ khâu tuyển chọn nguyên liệu tới khâu đóng gói sản phẩm. Điều này để phục vụ việc trao đổi, đối chiếu với tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Nhật Bản, tránh tình trạng hàng bị trả về khi làm thủ tục kiểm nghiệm để thông quan theo thủ tục nhập khẩu của đối tác. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc giao thương được chuyển sang phương thức trực tuyến. Tuy không gặp gỡ và xem trực tiếp sản phẩm nhưng nếu DN cung cấp hình ảnh sản phẩm được chụp rõ ràng, có quay video thực tế về quy trình tuyển chọn, sản xuất hay hướng dẫn cách sử dụng sản phẩm… thì cũng giúp đối tác phía Nhật Bản dễ dàng tiếp cận sản phẩm một cách đầy đủ, tiết kiệm thời gian và tạo được hiệu quả hợp tác giữa các bên.
Theo Đỗ Lan (Báo Đắk Lắk)

Có thể bạn quan tâm