Thời sự - Bình luận

Để nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tính đến nay, nông sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bên cạnh những thị trường truyền thống, nông sản Việt cũng chinh phục các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Điều đó đồng nghĩa với sự khẳng định cho chất lượng cũng như sự thay đổi trong tư duy canh tác của nông dân cũng như doanh nghiệp.

Những năm gần đây, nông sản Gia Lai đã bắt đầu xâm nhập một số thị trường khó tính. Năm 2017, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm (huyện Mang Yang) đã xuất khẩu quả chanh dây sang thị trường Pháp, Thụy Sĩ với sản lượng khoảng 1 tấn/ngày, giá bán 100.000 đồng/kg.

Đến tháng 9-2020, lô hàng 14 container với 296 tấn cà phê do Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cũng đã được xuất sang Bỉ và Đức theo Hiệp định EVFTA. Còn năm 2023, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hoa Trang-Gia Lai đã cung ứng ra thị trường 60.000 tấn cà phê nhân xanh, trong đó, sản lượng xuất sang thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc chiếm 80%, đạt gần 100 triệu USD.

Mới đây, vào ngày 19-3, lô hàng cà phê hữu cơ (organic) gần 40 tấn mà Công ty TNHH Vĩnh Hiệp vừa xuất khẩu sang Nhật Bản cũng là lô hàng cà phê organic đầu tiên của Việt Nam được nhập khẩu vào đất nước mặt trời mọc. Đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với ngành hàng cà phê của Gia Lai nói riêng, Việt Nam nói chung.

Trải qua bao thăng trầm, cây cà phê đang ngày càng khẳng định vị thế trong các loại cây công nghiệp dài ngày trên vùng đất đỏ bazan. Đó cũng là sự đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp trên hành trình 10 năm tiên phong canh tác cà phê theo những quy trình nghiêm ngặt nhằm đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính.

Đây sẽ là nền tảng vững chắc để bà con liên kết cùng Công ty với mục đích nâng cao chất lượng và giá trị cho vườn cây của mình. Điều đó cũng cho thấy nông dân Gia Lai đang trên đường hội nhập, không chỉ mở rộng quy mô mà còn đổi mới cách thức canh tác, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng với các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông-lâm-thủy sản ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước như: cà phê 1,38 tỷ USD (tăng 85%); rau, quả 970 triệu USD (tăng 72,8%); gạo 708 triệu USD (tăng 49,8%); hạt điều 595 triệu USD (tăng 68,2%)… Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng lớn với 21,5%, tăng 77,3%; tiếp đến là Trung Quốc chiếm 21%, tăng 47,9% và Nhật Bản chiếm 7,2%, tăng 29,2%.

Dù vậy, lượng nông sản xuất khẩu vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp nước ta. Bên cạnh những chuyến hàng thành công vào nội địa các nước để tiêu thụ thì vẫn có những lô hàng buộc phải hủy bỏ hoặc quay đầu trở về khi vừa cập cảng. Gần đây nhất, vào tháng 10-2023, 2 lô sầu riêng và ớt của Việt Nam khi xuất sang Nhật đã bị buộc tiêu hủy do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép.

Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), tổng số trường hợp bị từ chối rau củ xuất khẩu của Việt Nam sang 5 thị trường đã tăng từ 11 trường hợp năm 2012 lên 75 trường hợp vào năm 2020. Từ ngày 21-10 đến 21-11-2023, Trung Quốc và EU đã gửi 11 thông báo về SPS (hiệp định về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động vật, được thỏa thuận bởi các thành viên của WTO) cho Việt Nam với đa phần nhắc đến vấn đề về thực phẩm.

Riêng EU, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã cảnh báo Việt Nam có 31 vi phạm về xuất khẩu nông sản, đa số bị vướng về lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt mức cho phép.

Thực tế cho thấy, khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao thì các nước cũng ngày càng siết chặt, nâng cao tiêu chuẩn đối với các mặt hàng, trong đó có nông sản. Vì thế, người làm nông nghiệp cần nhận thức rõ rằng phải sản xuất ra những thứ thị trường cần và phải bằng tiêu chuẩn cao nhất đối với loại nông sản đó.

Đồng thời, phải tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới tư duy sản xuất theo hướng chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Có như vậy, nông sản Việt mới dần khẳng định uy tín, sánh ngang tầm với sản phẩm của các quốc gia trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm