Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Để phong trào kế hoạch nhỏ thực sự ý nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Để tham gia phong trào kế hoạch nhỏ như các năm trước, ngay từ đầu năm học này, cháu trai tôi tự đem vỏ lon, bìa carton cất sẵn vào một góc chờ ngày đem lên trường ủng hộ. Thế nhưng, một số phụ huynh trong lớp lại cho rằng, đằng nào họ cũng phải ra hàng ve chai mua vỏ lon bia, giấy vụn về cho con nộp nên đưa tiền cho con bỏ vào heo đất. Giải pháp này nhanh chóng được mọi người đồng ý triển khai.
Chuyện chẳng có gì đáng nói khi việc phát động này chỉ kéo dài trong 1 tháng. Con heo đất vừa mua chưa kịp “ăn” no đã phải đem đập để tổng kết số tiền nộp về cho liên đội. Hơn nữa, mỗi học sinh cũng được ba mẹ cho 10-20 ngàn đồng để góp một lần khiến việc nuôi heo cũng không còn nhiều ý nghĩa. Vậy mới thấy, phong trào kế hoạch nhỏ phát động cho học sinh song phần lớn đều do phụ huynh làm thay. Trước đây, một số trường còn đặt chỉ tiêu cho học sinh trong việc thu gom phế liệu, có nơi lên đến 40 kg/em. Điều này vô tình trở thành gánh nặng, tạo áp lực và khiến phong trào giảm đi ý nghĩa vốn có.
Phong trào kế hoạch nhỏ là hình thức vận động gây quỹ truyền thống của Đội TNTP Hồ Chí Minh, duy trì từ năm 1958 đến nay. Ngoài một số nơi lựa chọn cách làm sáng tạo thì hầu hết địa phương trong cả nước vẫn triển khai khá rập khuôn, cứng nhắc. Vẫn biết rằng, việc thu gom phế liệu hay nuôi heo đất giúp các em hình thành ý thức bảo vệ môi trường, yêu lao động, biết dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh cũng như nuôi dưỡng tinh thần “tương thân tương ái”, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Dù vậy, ba mẹ thực hiện giúp khiến các em không cảm nhận được niềm vui khi dần dẫn đến sự thờ ơ, vô cảm và khiến phong trào không còn ý nghĩa. 
Kế hoạch nhỏ-ý nghĩa lớn. Để phong trào này thực sự hiệu quả thì cần sự sáng tạo, linh hoạt trong cách tổ chức của từng trường học. Ví dụ, việc nuôi heo đất cần triển khai trong thời gian dài hơn, cần phát động từ đầu năm học và đến cuối năm thì “đập heo” để học sinh có thể tham gia tiết kiệm nhiều lần hơn. Bên cạnh đó, tùy vào điều kiện thực tế mà có cách áp dụng, triển khai phong trào sao cho phù hợp, tránh hình thức. Ngoài nuôi heo đất, thu gom phế liệu như hiện tại, các liên đội có thể phát động mỗi đội viên trồng 1 cây xanh, tổ chức phiên chợ nhỏ tạo không gian cho học sinh sáng tạo các sản phẩm từ vẽ tranh, làm thủ công, món ăn vặt… để trao đổi, bán gây quỹ. Dù ở hình thức nào cũng nên chú trọng đến sự tham gia của học sinh nhằm giúp các em hiểu về ý nghĩa và có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm qua chính các hoạt động trong môi trường giáo dục.
KHÔI NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm