Sống trẻ - Sống đẹp

Thế giới trẻ

Để trẻ em có môi trường phát triển an toàn, lành mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hôm nay (28/9), 306 “nghị sĩ nhí” bước vào phiên khai mạc phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024.

Để trẻ em có môi trường phát triển lành mạnh, an toàn hơn, các “nghị sĩ nhí” hiến kế, kiến nghị giải pháp góp phần chung tay giải quyết những vấn đề nóng về vấn nạn bạo lực học đường, thuốc lá và chất kích thích.

Em Hoàng Trà My, lớp 10D7, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Vinh, Nghệ An): Giải quyết tận gốc bạo lực học đường

Đây là lần thứ 2 em làm đại biểu chính thức của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em. Đây là trách nhiệm lớn khi trở thành người đại diện, để đưa tiếng nói của “cử tri trẻ em” cả nước đến với Quốc hội, cùng kiến tạo một cuộc sống an toàn, lành mạnh, thân thiện cho trẻ em.

Hiện nay, tình trạng bạo lực học đường, sử dụng chất kích thích ở môi trường học đường đang trở nên phổ biến và gia tăng với mức độ nghiêm trọng. Hai vấn nạn này khiến cho nạn nhân, đặc biệt là các bạn học sinh phải đối mặt với nhiều đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Bạo lực học đường biểu hiện dưới nhiều hình thức như bạo lực ngôn từ, đánh đập, xúc phạm, bị lập hội nhóm tẩy chay khiến nạn nhân tổn thương, thậm chí tìm đến cách giải quyết tiêu cực hơn là tự tử.

Còn với các chất kích thích là cạm bẫy chứa đầy “mật ngọt” với học sinh. Thuốc lá điện tử len lỏi vào đời sống học đường, hấp dẫn học sinh bằng nhiều sản phẩm với hình thức đa dạng, mùi thơm, hương vị thích thú. Cả 2 vấn nạn này đang dần trở nên nhức nhối trong môi trường học đường, khiến bao thế hệ học sinh phải gánh chịu hậu quả đau đớn khi còn quá trẻ.

Khi đến với phiên họp lần này, chúng em sẽ đưa ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả. Những giải pháp mà chúng em đưa ra sẽ phù hợp với thực tiễn đời sống, dựa trên nhiều khía cạnh, góc độ, vai trò của mỗi cá nhân trong xã hội nhằm chung tay giải quyết vấn nạn từ tận gốc rễ.

Em Lê Hoàng Long, Lớp 9C, Trường THCS Thị trấn (huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La): Ứng dụng AI cảnh báo mua bán thuốc lá điện tử

Đến với phiên họp lần này, em sẽ kiến nghị Bộ TT&TT phối hợp với Bộ GD&ĐT sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và mạng xã hội để phát hiện, cảnh báo bạo lực học đường và thuốc lá điện tử.

Hiện, AI ngày càng phát triển, như: ChatGPT, Gemini hay GitHub... Em mong muốn Bộ TT&TT phát triển ứng dụng sử dụng công nghệ AI tương tác trên các nền tảng mạng xã hội, để phát hiện và cảnh báo những hoạt động quảng cáo, mua bán thuốc lá điện tử với người dùng trong độ tuổi học sinh.

Hiện nay, có nhiều hoạt động ngoại khoá hay cuộc thi vẽ tranh tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường và thuốc lá điện tử dành cho học sinh các cấp. Tuy nhiên, thực tế, những hoạt động này mang tính hình thức, chưa thực sự hấp dẫn, để học sinh thấy và tự nguyện tham gia nên hiệu quả tuyên truyền chưa tốt.

Vì vậy, em kiến nghị rằng, hãy xây dựng và phát triển hệ thống thưởng điểm hoặc phần thưởng cho học sinh tham gia vào hoạt động giáo dục về phòng, chống thuốc lá điện tử. Cụ thể, khi các em học sinh tham gia hoạt động sẽ được cộng điểm thưởng tích lũy để đổi phần quà như: đồ dùng học tập, móc khóa, đồ chơi... Từ đó, tạo hứng thú cho học sinh tích cực tham gia các hoạt động hơn.

Em Trần Nguyễn Nhật Linh, Lớp 7A1, Trường THCS Phúc Yên (TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc): Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Đến với phiên họp giả định năm nay, em đã tìm hiểu thông tin và khảo sát từ “cử tri trẻ em”, phụ huynh và giáo viên để hiểu hơn về thực trạng bạo lực học đường, cũng như hút thuốc lá, sử dụng chất cấm trong môi trường học đường. Bạo lực học đường không chỉ là vết nhơ của tuổi trẻ, mà còn là khởi nguồn nhiều hệ luỵ, tệ nạn xã hội sau này.

Để phòng ngừa, đẩy lùi bạo lực học đường, em đề xuất tập trung vào việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thông qua các buổi workshop, hoạt động ngoại khóa gắn với chủ đề, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng xử lý xung đột, tự vệ và biết cách thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng một hệ thống báo cáo về bạo lực học đường một cách an toàn và kín đáo, giúp học sinh có thể dễ dàng thông tin các vấn đề họ gặp phải mà không sợ bị trả thù hay kỳ thị. Cùng đó, có chương trình hỗ trợ tâm lý dài hạn. Hệ thống này cần được liên kết chặt chẽ với nhà trường và các cơ quan chức năng để có thể can thiệp kịp thời. Ngoài ra, thiết kế chiến dịch truyền thông sáng tạo với sự tham gia của người nổi tiếng, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của bạo lực học đường và cách thức để phòng tránh. Cùng với các đại biểu trẻ em khác, em mong muốn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Em Lê Phương Danh, học sinh Trường THCS Thanh Bình (huyện Bù Đốp, Bình Phước): Kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng

Phiên họp năm nay đề cập đến hai chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm, theo dõi của cộng đồng xã hội và trẻ em, là phòng ngừa bạo lực học đường, tạo môi trường an toàn cho trẻ; phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích trong môi trường học đường.

Trước khi đến với phiên họp, em đã dành thời gian tìm hiểu, khảo sát để có cái nhìn bao quát hơn về thực trạng của bạo lực trong học đường. Bởi, đây là vấn đề không nhỏ và luôn nhức nhối. Hành vi bạo lực trong học đường dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng đến tinh thần, thể chất của nạn nhân, cũng như những người xung quanh.

Theo em, một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường là từ sự thiếu quan tâm, kết nối giữa học sinh, phụ huynh, nhà trường và cộng đồng; tác động từ hình ảnh, clip, trò chơi bạo lực ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, internet; cũng như độ tuổi mới lớn, thích thể hiện cái tôi cá nhân và thiếu hiểu biết, kỹ năng sống.

Em đề xuất cần có hình thức kết nối giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để tổ chức hoạt động, sân chơi tuyên truyền nâng cao hiểu biết về hệ lụy của bạo lực học đường và sử dụng chất kích thích, trang bị kỹ năng sống về giao tiếp, ứng xử… cho học sinh, trẻ em; quan tâm hơn đến hoạt động tư vấn, định hướng tâm lý cho học sinh, nhất là nạn nhân bạo lực học đường và người có hành vi bạo lực.

Theo LƯU TRINH - XUÂN TÙNG (ghi/TPO)

Có thể bạn quan tâm