Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Để vùng dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ chiếm 14% dân số cả nước nhưng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) lại rất cao, cứ 3 người thì có 1 người nghèo. Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS cũng thấp so với bình quân của cả nước, có nơi chỉ bằng 1/3. Đây được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa miền núi với miền xuôi. Thực trạng này cần được khắc phục bằng một giải pháp đồng bộ từ chính sách đến nguồn lực đầu tư.

Cần một sự thay đổi mang tính đột phá trong chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS. Ảnh: Thanh Nhật

Phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 13-8 đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên… khi đề cập những tồn tại cơ bản nhất trong việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào DTTS, đặc biệt là đồng bào DTTS rất ít người.

Về giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS, câu trả lời được người phụ trách công tác dân tộc của Chính phủ đưa ra là: Phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin, kết nối vùng DTTS với vùng động lực phát triển; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và giáo dục-đào tạo vùng DTTS, miền núi; tạo sinh kế cho đồng bào DTTS, mà đi đầu là ổn định dân cư…

Những giải pháp này xem ra không có gì mới bởi hầu hết đã được nói đến từ hàng chục năm qua trong các chương trình, dự án của Chính phủ, từ Chương trình 135, Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã, đến Chương trình 30a… cùng các giải pháp cụ thể về nguồn lực tài chính và con người. Thế nhưng, vì sao việc xóa đói giảm nghèo, giảm khoảng cách giữa miền núi với miền xuôi, giữa miền núi phía Bắc với khu vực Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long… vẫn còn nhiều chuyện phải bàn. Tình trạng du canh du cư vẫn là câu hỏi khó cho các tỉnh miền núi, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, khi nơi đây từ nhiều năm qua luôn là “miền đất hứa” hấp dẫn bước chân du mục của đồng bào DTTS các tỉnh miền núi phía Bắc. Theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, chỉ 5 tỉnh Tây Nguyên, hiện đã có đến 19 ngàn hộ dân di cư cần sắp xếp.

Có một nghịch lý là sau nhiều năm thực hiện chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS thì số xã khu vực 3, thôn làng đặc biệt khó khăn lại càng tăng thêm, từ 37,5% (giai đoạn 1999-2005) lên gần 40% (giai đoạn 2016-2020). Nguyên nhân được cho là vì suất đầu tư quá thấp so với nhu cầu thực tiễn, khó có thể tạo ra sự thay đổi đối với khu vực này.

Có thể thấy, về tổng thể, chính sách dân tộc đã bao phủ toàn bộ các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, y tế... Tuy nhiên, nhiều chính sách ban hành chưa cân đối được nguồn lực đầu tư hoặc cân đối thấp; một số chính sách thiết kế chưa phù hợp, dẫn tới tình trạng một bộ phận đồng bào DTTS có tâm lý trông chờ ỷ lại, “không muốn ra khỏi diện hộ nghèo”.

Cần một sự thay đổi mang tính đột phá trong chính sách phát triển vùng đồng bào DTTS. Cần nghiên cứu tích hợp các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia trong khoảng 10 năm với sự chỉ đạo quyết liệt, đầu tư thỏa đáng, có tiêu chí đánh giá rõ ràng của Chính phủ; hướng tới cơ chế giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi. Nếu hỗ trợ cũng phải có điều kiện, có cam kết trong một thời gian nhất định: 3 năm phải thoát khỏi hộ nghèo, 5 năm thoát xã nghèo, 10 năm thoát huyện nghèo.

Thật khó để gọi một xã, một huyện miền núi phát triển nếu không có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Cũng không thể phát triển miền núi nếu không có một chính sách đầu tư thích hợp cho giáo dục, nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực để khởi nghiệp, để đánh thức tiềm năng núi đồi, tạo ra của cải vật chất làm giàu cho mình và xã hội bằng trí tuệ, bằng lao động sáng tạo, chứ không phải kiểu mưu sinh nhờ vào tài nguyên sẵn có. Thành công của công tác định canh định cư không chỉ là việc ổn định và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS miền núi mà còn góp phần hạn chế, tiến tới chấm dứt nạn phá rừng, gìn giữ môi trường sống cho con người.     
   
Muốn làm được điều đó thì phải khắc phục tình trạng “chính sách ngắn hạn, mang tính nhiệm kỳ” như lời Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức lần này.

Nguyễn Vân
 

Có thể bạn quan tâm