Phóng sự - Ký sự

Lấp lánh "sao xanh" trên quê hương Anh hùng Núp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ đội Biên phòng Gia Lai cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống đơn vị (15/4/1965 - 15/4/2025).

Như sự đồng điệu của khúc quân hành, trong những ngày này, hòa chung khí thế thi đua sôi nổi của cả nước chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024), BĐBP Gia Lai cũng đang đẩy mạnh các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống đơn vị (15/4/1965 - 15/4/2025).

60 năm qua, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lớp lớp thế hệ người lính Biên phòng (BP) trên quê hương Anh hùng Núp luôn sống trọn vẹn với tình yêu biên giới. Những chiến công xuất sắc trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm và bảo vệ biên giới Tây Nam, những dấu ấn không bao giờ phai trong xây dựng quê hương Gia Lai ổn định và phát triển đã góp phần tô thắm trang sử vàng truyền thống của BĐBP Việt Nam 2 lần vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng...

sao-vuong.jpg
BĐBP Gia Lai tặng quà, hỗ trợ vật tư y tế cho lực lượng bảo vệ biên giới tỉnh Rattanakiri (Campuchia). Ảnh: Thái Kim Nga

Ra đời trong thời khắc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, dưới ánh sáng của Đảng và sự đùm bọc chở che của nhân dân, lực lượng An ninh vũ trang tỉnh Gia Lai (tiền thân của BĐBP Gia Lai ngày nay) vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ căn cứ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, vừa tiến hành các hoạt động diệt ác, trừ gian, giữ dân, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng... An ninh vũ trang tỉnh Gia Lai đã trực tiếp tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, góp phần cùng cả nước lập nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước sạch bóng quân thù, nhưng biên giới thì vẫn còn đó những mầm họa lớn. Lúc này, bản chất tàn độc, lật lọng của “tập đoàn diệt chủng” Khmer Đỏ đã lộ nguyên hình và biên giới Tây Nam lại chìm trong khói lửa chiến tranh. Để bảo vệ tính mạng nhân dân, giữ trọn từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, An ninh vũ trang Gia Lai (lúc này đã đổi tên thành Công an nhân dân vũ trang Gia Lai) đã kiên cường chiến đấu, tổ chức gần 30 trận đánh lớn nhỏ, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí, khí tài khác. Tuy nhiên, chiến tranh là điều không ai mong muốn, bởi nó mang đến quá nhiều mất mát, đau thương.

Riêng lực lượng Công an nhân dân vũ trang tỉnh Gia Lai đã có 47 cán bộ, chiến sĩ mãi mãi ra đi không về, cùng nhiều người khác để lại một phần máu thịt nơi biên giới. Khúc tráng ca bất tử ấy được lưu danh với trận đánh 9 ngày đêm trong vòng vây quân thù của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP 649 (Đồn BP cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh ngày nay). Trong trận tử chiến ấy, những người lính mang quân hàm xanh đã khiến cho quân thù phải kinh hồn bạt vía với lời thề giữ đất, chiến đấu đến viên đạn và hơi thở cuối cùng. Ngày 20/12/1979, Đồn BP 649 vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

“Khúc quân hành” của người lính BP Gia Lai vẫn trùng trùng giữa đại ngàn biên giới khi trở thành một trong những lực lượng chủ công trong đấu tranh, truy quét bọn phản động FULRO. BĐBP Gia Lai triển khai nhiều chuyên án kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh bóc gỡ, vô hiệu hóa các ổ nhóm phản động FULRO dọc hành lang biên giới, từng bước làm chuyển hóa trong sạch địa bàn, tạo điều kiện để các lực lượng đẩy mạnh truy quét, xóa sổ các căn cứ của chúng ở khu vực nội địa.

Trong buổi bình minh của công cuộc đổi mới, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, những người lính mang quân hàm xanh trên quê hương Anh hùng Núp đã phát huy tốt vai trò lực lượng nòng cốt chuyên trách trên biên giới, gắn bó mật thiết với cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là đồng bào các dân tộc, từng bước xây dựng củng cố thế trận BP toàn dân vững mạnh. Được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 80,485km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với nước bạn Campuchia và địa bàn 7 xã thuộc 3 huyện biên giới (Ia Grai, Đức Cơ và Chư Prông), cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh luôn bám sát phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, cống hiến hết sức mình vì cuộc sống bình yên và phát triển của nhân dân.

Có thể nói, dấu ấn đậm nét nhất tạo nên “thương hiệu” của BĐBP Gia Lai những năm qua, đó là công tác dân vận xây dựng địa bàn, quản lý xuất nhập cảnh, đối ngoại và giữ vững “trận địa” trên cả hai lĩnh vực an ninh truyền thống và phi truyền thống. Là lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới, sống trong lòng nhân dân, BĐBP Gia Lai luôn phát huy cao độ vai trò là trung tâm đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, nỗ lực hết mình vì nụ cười hạnh phúc của nhân dân. Những năm cuối thế kỷ XX trở về trước, địa bàn biên giới là khu vực khó khăn bậc nhất cả về điều kiện kinh tế và đời sống văn hóa xã hội.

Khi “ánh sáng” cuộc sống mới vẫn còn cách xa biên giới, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã “hóa thân” thành những người thầy giáo, thầy thuốc, cán bộ tuyên truyền văn hóa quân hàm xanh, góp phần xây nên bức thành trì vững chắc trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với phương châm “3 bám, 4 cùng”, BĐBP Gia Lai luôn kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con, đề ra những giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ hiệu quả, từ đó xây dựng cơ sở tai mắt trong nhân dân, quản lý chặt chẽ địa bàn, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm.

saovuong2.jpg
Nét đẹp tình quân dân trên quê hương Anh hùng Núp. Ảnh: Thái Kim Nga

Sau sự kiện gây rối trên địa bàn Tây Nguyên vào năm 2001, bọn phản động và các thế lực thù địch đẩy mạnh các hoạt động móc nối, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép cũng như ráo riết xây dựng, phát triển lực lượng ngầm chống phá ta về lâu về dài. Để xóa bỏ khối “ung nhọt” này, BĐBP Gia Lai một mặt, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đấu tranh ngăn chặn hiệu quả hoạt động lôi kéo, câu móc, tổ chức vượt biên trái phép; mặt khác, xác lập nhiều chuyên án, kế hoạch nghiệp vụ bóc gỡ, vô hiệu hóa các ổ nhóm, “khung” chính quyền ngầm của bọn phản động FULRO, “Tin lành Đê-ga” trên khu vực biên giới. Đây có thể nói là cuộc đấu tranh đầy tính kiên trì và gai góc, yêu cầu lực lượng BĐBP phải tập trung xây dựng cơ sở từ lòng dân, kịp thời nắm bắt thông tin, tăng cường các biện pháp đấu tranh trực diện. Cùng với đó, các đồn BP trong tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, đưa đối tượng lầm đường lạc lối ra kiểm điểm công khai trước cộng đồng, giúp bà con nêu cao tinh thần cảnh giác, nhận diện rõ bản chất thâm độc của bọn phản động.

Công tác đối ngoại BP và quản lý xuất, nhập cảnh cũng được triển khai chặt chẽ đa dạng, có chiều sâu, vừa góp phần tăng cường tình đoàn kết, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, vừa loại bỏ từ sớm, từ xa những mầm mống gây nguy hại đến an ninh, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm qua biên giới. Song song với hoạt động gặp gỡ hội đàm, thăm hỏi, chúc mừng nhân ngày lễ, Tết truyền thống của dân tộc, hỗ trợ học sinh trong Chương trình “Nâng bước em tới trường”, xây tặng nhà, hỗ trợ phòng, chống đại dịch Covid-19, kết nghĩa giữa các khu dân cư hai bên biên giới và giữa các đồn, trạm BP với lực lượng chức năng nước bạn Campuchia được BĐBP Gia Lai triển khai hiệu quả từ nhiều năm qua cho thấy tầm nhìn, cách làm linh hoạt sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng tốt mọi yêu cầu trong thời kỳ mở cửa hội nhập quốc tế.

Có thể nói, suốt chặng đường 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, BĐBP Gia Lai luôn khẳng định sức mạnh, ý chí quyết chiến quyết thắng của QĐND Việt Nam, sống trọn vẹn với tình yêu biên giới. Tiếp nối những chiến công của thế hệ cha anh đi trước, người lính BP trên quê hương Anh hùng Núp hôm nay tiếp tục cống hiến bằng tất cả khả năng của mình vì biên giới hòa bình, ổn định, hạnh phúc và phát triển.

Theo Thái Kim Nga (Báo Biên Phòng)

Có thể bạn quan tâm