Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Đề xuất hai phương án tăng lương công chức, viên chức từ năm 2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo tờ trình Đề án Cải cách chính sách tiền lương đang được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức sẽ tăng lên 4,14 triệu đồng, cao nhất có thể lên tới 33,4 triệu đồng.
 

Mức lương công chức, viên chức thấp nhất từ năm 2021 được đề xuất tăng lên 4.140.000 đồng.
Mức lương công chức, viên chức thấp nhất từ năm 2021 được đề xuất tăng lên 4.140.000 đồng.

Cụ thể, ban soạn thảo đề ra 2 phương án tiền lương áp dụng từ năm 2021:

Phương án 1: mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 như hiện nay lên 1 - 2,68 - 12 từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới (tương ứng với hệ số 1,86, trình độ trung cấp, trong bảng lương hiện hành) là 4,14 triệu đồng, tăng 11,3% so với năm 2020.

Trong khi đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức tính theo mức lương cơ sở áp dụng từ 1.7 tới đây (tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng) chỉ gần 2,6 triệu đồng.

Mức lương của chuyên viên bậc 1 (tương ứng với hệ số 2,34 trong bảng lương hiện hành) là 5,96 triệu đồng, tăng 27,4% so với năm 2020.

Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 (tương ứng với hệ số 10 trong bảng lương hiện hành) là 26,7 triệu đồng, tăng 33,5% so với năm 2020.

Phương án 2: mở rộng quan hệ tiền lương từ 1 - 2,34 - 10 như hiện nay lên 1 - 3 - 15 từ năm 2021 để tiếp cận ngay với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp.

Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức trong bảng lương mới vẫn là 4,14 triệu đồng. Mức lương của chuyên viên bậc 1 sẽ tăng lên 6,68 triệu đồng, tăng 42,7% so với năm 2020.

Mức lương của chuyên gia cao cấp bậc 3 là 33,4 triệu đồng, tăng 67,0% so với năm 2020.

Theo quy định hiện hành, chuyên gia cao cấp bậc 3 có hệ số là 10, dành cho những người không giữ chức vụ lãnh đạo, tương đương với chức danh Bộ trưởng, có 2 bậc là 9,7 và 10,3.

Theo đề án, mức lương thấp nhất trong khu vực công được tính toán dựa trên lộ trình tăng lương từ năm 2021. Theo đó, mức lương thấp nhất của công chức, viên chức năm 2021 sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp.

Theo dự kiến tăng 5%/năm thì mức lương thấp nhất của người có trình độ đào tạo (cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng) năm 2021 là: vùng 1 4,93 triệu đồng/tháng, vùng 2 là 4,39 triệu đồng/tháng, vùng 3 là 3,83 triệu đồng/tháng, vùng 4 là 3,42 triệu đồng/tháng. Bình quân 4 vùng là 4,14 triệu đồng/tháng.

Đề xuất bãi bỏ hàng loạt phụ cấp

Cùng với phương án tăng lương, đề án cũng đề xuất sắp xếp lại các chế độ phụ cấp hiện hành để đảm bảo tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương, trong đó, có trường hợp cao hơn 30% hoặc thấp hơn 30%, hoặc không có phụ cấp.

Cụ thể, đề án đề xuất tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp lưu động, phụ cấp phục vụ an ninh, quốc phòng và phụ cấp đặc thù quân binh chủng đối với lực lượng vũ trang (quân đội, công an, cơ yếu).

Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy hiểm (gọi là phụ cấp theo nghề) với mức phụ cấp cao nhất bằng 20% mức lương cơ bản đối với những nghề có yếu tố điều kiện lao động cao hơn bình thường và có chính sách ưu đãi của nhà nước như tòa án, kiểm sát, thi hành án dân sự, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, kiểm ngư, y tế, giáo viên...

Gộp chế độ phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành chế độ phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu để bảo đảm tương quan tiền lương với cán bộ, công chức); phụ cấp chức vụ lãnh đạo (do các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị thực hiện xếp lương chức vụ); phụ cấp công tác Đảng, đoàn thể chính chị - xã hội; phụ cấp công vụ (do đã đưa vào mức lương cơ bản); phụ cấp độc hại, nguy hiểm (do đã đưa vào điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm vào phụ cấp theo nghề).

Theo Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương, chính sách tiền lương hiện hành quy định tới 20 nhóm phụ cấp với gần 100 loại, dẫn đến tình trạng lương thấp nhưng phụ cấp thì nhiều, cùng 1 vị trí công việc nhưng lương lại khác nhau. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nội vụ về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, phụ cấp chiếm tới 54,55% trong tổng thu nhập.

Cần từ 140.000 - 210.000 tỉ đồng

Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường của Hội nghị Trung ương 7 về đề án này, theo Thông tấn xã Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nguồn lực tối đa dành để điều chỉnh tiền lương tăng thêm trong các năm đầu 2021, 2022 khoảng 35.000 - 40.000 tỉ đồng.

Ông Dũng cho biết, dù đã tính toán nguồn lực cải cách tiền lương với tinh thần tích cực nhất như trên, nhưng so với nhu cầu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo dự thảo đề án vẫn còn có khoảng cách. Do đó, có thể phải có những điều chỉnh tăng cân đối ngân sách nhà nước.

Cụ thể, muốn tăng lương theo phương án 1 thì nhu cầu nguồn lực trong 2 năm 2021 - 2022 khoảng 140.000 tỉ đồng; trong đó, năm 2021 khoảng 80.000 tỉ đồng, năm 2022 khoảng 60.000  tỉ đồng. Trường hợp mở rộng quan hệ tiền lương theo phương án 2 của đề án thì nhu cầu nguồn lực cho hai năm 2021 và 2022 khoảng gần 210.000 tỉ đồng, trong đó, năm 2021 khoảng 115.000 tỉ đồng, năm 2022 khoảng 95.000 tỉ đồng.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, muốn nguồn để cải cách tiền lương như trên, đồng thời duy trì tỷ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 26% tổng chi ngân sách nhà nước, thì bội chi ngân sách nhà nước năm 2021 - 2022 sẽ khoảng từ 4,7 - 5,1% GDP. Trong trường hợp này, giải ngân vốn ODA giai đoạn 2016 - 2020 vượt kế hoạch như trên thì rủi ro nợ công vượt trần 65% ngay từ năm 2021.

Như vậy, nếu ngay từ năm 2021 thực hiện đồng thời cả việc điều chỉnh tiền lương thấp nhất lên 4,140 triệu đồng/người/tháng và kết hợp điều chỉnh quan hệ tiền lương thì mức tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện sớm hơn, lúc này sẽ tăng bình quân lên 26 - 42% so với năm 2020, nhưng có khả năng sẽ tạo áp lực lớn lên cân đối ngân sách nhà nước và khả năng phải chấp nhận bội chi ngân sách, nợ công những năm đầu ở mức cao.

Từ đó, Bộ trưởng Tài chính đề nghị có thể nghiên cứu thêm phương án chưa thực hiện, đồng thời điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất và quan hệ tiền lương trong cùng một năm. Tức là năm 2021 điều chỉnh mức tiền lương thấp nhất đạt 4,140 đồng/người/tháng, đồng thời tích lũy thêm nguồn để mở rộng thực hiện quan hệ tiền lương vào các năm sau.

Lê Hiệp/thanhnien

Có thể bạn quan tâm