Các nhà khoa học, chuyên gia đề nghị cần tiến hành thăm dò, thám sát khai quật khảo cổ học các vị trí có khả năng phát lộ di vật, hiện vật ở những khu vực có liên quan đến các bãi cọc cổ của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288 tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh trước khi triển khai dự án mở đường.
Bãi cọc cổ liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng 1288 tại phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên. Ảnh: Tư liệu |
Theo thiết kế, giai đoạn 1 của dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long- Hải Phòng đến thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đi qua Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng.
Cụ thể, phần diện tích dự án đi qua Bãi cọc Yên Giang thuộc phường Yên Giang diện tích khoảng 17.625m2, trong đó đi qua khu bảo vệ II khoảng 9.170m2, đi qua khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích khoảng 8.455m2. Đoạn đi qua khu vực đền Trung Cốc, thuộc phường Nam Hòa diện tích khoảng 8.075m2 thuộc khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích.
Đoạn đi qua bãi cọc đồng Má Ngựa, thuộc phường Nam Hòa diện tích khoảng 12.900m2, trong đó đi qua khu vực bảo vệ II khoảng 11.445m2, đi qua khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích khoảng 1.455m2.
Chuyên gia Nhật bản và Viện Khảo cổ học Khai quật Bãi cọc đồng Má Ngựa năm 2009. Ảnh Ngô Đình Dũng |
Tổng diện tích dự án nằm trong ranh giới khoanh vùng bảo vệ Khu di tích lịch sử Bạch Đằng khoảng 38.600m2, trong đó khu bảo vệ II khoảng 20.615m2, khu vực phục vụ du lịch, hỗ trợ phát huy giá trị di tích khoảng 17.985m2.
Trước việc có liên quan tới khu di tích quốc gia đặc biệt – với 3 bãi cọc cổ được xác định là một phần của chiến thắng Bạch Đằng lịch sử năm 1288 – nơi quân, dân nhà Trần đã đánh bại quân xâm lược hùng mạnh Nguyên Mông – các cơ quan chức năng của Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và các nhà khoa học về phương án triển khai dự án này.
Qua khảo sát thực tế, các chuyên gia, các nhà khoa học đề xuất báo cáo Bộ VHTTDL cho phép thăm dò, thám sát khai quật khảo cổ học các vị trí có khả năng phát lộ di vật, hiện vật để có phương án xử lý kịp thời trước khi triển khai dự án.
Ngoài ra, trong suốt quá trình thi công dự án, phải có phương án, cử cán bộ chuyên ngành văn hóa của tỉnh, thị xã cùng phối hợp với các nhà khoa học để giám sát trong suốt quá trình triển khai dự án, kịp thời có các phương án, biện pháp xử lý, bảo quản, bảo vệ hiện vật trong trường hợp phát lộ các di vật, cổ vật và cọc Bạch Đằng để bảo vệ di sản một cách tốt nhất.
Viện khảo cổ Khai quật bãi cọc đồng Vạn Muối năm 2005. Ảnh: Ngô Đình Dũng |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Việt – Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, người nhiều năm nghiên cứu về chiến thắng Bạch Đằng 1288 và những bãi cọc cổ ở Quảng Yên – cho biết, có thể lượng cọc sẽ khá nhiều và các chuyên gia có thể hình dung được phạm vi của các bãi cọc.
Cũng theo ông Việt, nếu có điều kiện thì khai quật khảo cổ học trên diện lớn, nhưng chỉ cần dựa vào các hố thám sát nhỏ cũng có thể đoán được phạm vi, bố trí của các bãi cọc.
Hiện, trong 3 bãi cọc cổ ở thị xã Quảng Yên thì chỉ có một phần của bãi cọc Yên Giang – được tìm thấy năm 1952 là để lộ thiên để phục vụ du khách tham quan; 2 bãi cọc đồng Má Ngựa và đồng Vạn Muối, sau khi khai quật khảo cổ học xong, đã được chôn xuống bùn để bảo quản.
Theo Nguyễn Hùng (LĐO)