(GLO)- Nhìn những đọt non trên cành vừa nhú và những búp mai rừng hé nụ vàng chúm chím, lòng tôi bỗng dậy lên ký ức về mùa xuân đầu tiên giữa núi rừng hoang vu của khu trung tâm thị trấn Kông Chro ngày ấy.
Huyện Kông Chro là “người anh em” của huyện An Khê (được “ra riêng” vào mùa thu năm 1988). Kông Chro lúc này có 3 cái nhất: hoang sơ nhất, cơ sở vật chất nghèo nàn nhất và… ít người Kinh nhất trong số 3 huyện phía Đông Gia Lai. Nối từ An Khê vào trung tâm huyện là con đường đất đá lởm chởm dài 28 km, lác đác 2 bên đường là những mái nhà tranh của người Kinh vào buôn bán, làm rẫy. Đa phần cán bộ lãnh đạo cũng được chia ra từ các phòng, ban của huyện An Khê. Khu hành chính xây dựng theo kiểu doanh trại dã chiến, tập trung trên dải đất tương đối bằng phẳng, xung quanh là rừng khộp, mặt hướng về sông Ba ôm nửa vòng thị trấn. Trụ sở cơ quan Nông nghiệp của chúng tôi được cất dài nhất khu hành chính, lợp mái tranh, thưng vách nứa, các phòng làm việc được ngăn chia bằng những tấm phên tre hoặc lá cọ.
Một góc thị trấn Kông Chro hôm nay. Ảnh: Đình Chiến |
Chỉ sau ngày thành lập khoảng 4 tháng, Kông Chro đón mùa xuân đầu tiên. Chiều 25 tháng Chạp, nhóm thanh niên chúng tôi rủ nhau vào rừng tìm mai về chưng Tết. Chỉ cần bước chân ra khỏi cơ quan vài trăm bước là đã tới bìa rừng. Cả nhóm tìm chặt những cành mai đẹp nhất mang về cắm vào chiếc bình vốn là ghè rượu của đồng bào Bahnar nơi đây. Khối cơ quan chúng tôi lấy phòng họp làm nơi bày bàn thờ ngày Tết. Đơn sơ lắm, chỉ là chiếc bàn cũ chở từ An Khê vào, lá cờ Tổ quốc, ảnh Bác và bình mai vàng rực rỡ.
Thời ấy, chợ búa chưa có, thực phẩm tươi chỉ nhờ vào các “công ty hai sọt” từ An Khê vào bán. May mắn lắm mới mua được miếng thịt heo, bó rau, con cá tươi hoặc phải dặn trước mới có. Để có nguyên liệu gói bánh chưng, bánh tét, chúng tôi phải lặn lội xuống làng mua gạo về thay nếp (một loại gạo dẻo thơm của đồng bào Bahnar). Đa số cán bộ, nhân viên đã về An Khê từ chiều 28 tháng Chạp, chỉ còn lại một số anh em độc thân ở lại cùng lãnh đạo và tự phân công nhau trực cơ quan. Anh Đinh Tiết-khi ấy là Bí thư Huyện ủy, cũng ở lại 3 ngày Tết cùng anh em.
Chiều 29 tháng Chạp, chúng tôi bắt đầu gói bánh. Bánh chưng là sản phẩm của anh em miền Bắc, bánh tét của anh em miền Trung và bánh ú của anh em miền Nam nên chúng tôi gọi vui đây là “nồi bánh 3 miền”. Mọi người khom lưng phùng má thổi lửa, những cuộn khói cay xè khiến nước mắt trào ra mà nụ cười lại nở lên môi mãn nguyện. Đêm xuống nhẹ trong không gian tĩnh mịch, trông xa loáng thoáng những nếp nhà tranh khối cơ quan ẩn hiện trong sương mù. Ánh đèn tròn treo lủng lẳng trong nhà hắt thứ ánh sáng vàng quạch ra sân. Chúng tôi tụ tập nhau bên chiếc bàn giữa sân với ghè rượu cần, nồi bánh chưng vui vẻ chuyện trò.
Đêm 30, thời khắc đón Giao thừa đến cùng với… chiếc radio. Sau khi nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước, anh Đinh Tiết cũng chúc Tết anh em, rồi chúng tôi chúc Tết lẫn nhau. Rồi không gian lắng lại, chỉ còn lại tiếng thác Ia Rung reo từ phía xa xa và tiếng máy phát điện sè sè. Nồi bánh chưng được mở nắp, những xâu bánh vuông, tròn được vớt ra từ trong làn khói cuộn lên thơm phức mùi hương nếp, mang cả không khí Tết tràn ngập. Tất cả quây quần lại bên ghè rượu cần, ánh lửa bập bùng thi thoảng hắt lên những khuôn mặt hồng hồng men rượu. Chúng tôi tâm sự như chưa bao giờ được tâm sự để cởi mở nỗi lòng. Có anh bạn lần đầu tiên xa nhà mắt rơm rớm, miệng gọi thầm: “Mẹ ơi!”. Khi chúng tôi còn chưa kịp ngủ thì tiếng gà rừng đã rộ lên từng hồi báo hiệu một ngày mới, một năm mới bắt đầu.
Mùa xuân thứ 31 đang về trên thị trấn Kông Chro. Vùng đất nghèo khó ngày nào nay đã thay da đổi thịt, biến đổi từ không sang có, từ ít sang nhiều. Đêm đêm ánh đèn đường chong sáng rực, đường sá đi lại phẳng phiu. Những ngôi nhà xây hai bên đường trong thị trấn san sát nhau, quây quần quanh chợ thành một phố thị. Cửa hàng, cửa hiệu hàng hóa đầy ắp, người xe tấp nập, chợ hoa ngày Tết rực rỡ, khẳng định nội lực vượt khó đi lên. Rồi đây, theo từng nhịp bước thời gian, một đô thị giữa núi rừng sẽ dần thay những chiếc áo mới đa sắc màu nhờ vào những lớp trẻ dám nghĩ, dám làm, mang lại tầm vóc xứng đáng cho một thị trấn vùng sâu.
An Sinh