Điểm đến Gia Lai

Đêm không ngủ ở Kon Pne

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đã hơn 10 năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi chuyến công tác tại xã Kon Pne (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Kon Pne là xã xa nhất và cũng khó khăn nhất của tỉnh lúc bấy giờ. Đó là dịp cuối năm, tôi đi cùng Tổng Biên tập Báo Gia Lai tháp tùng đoàn công tác của tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Măng Đung dẫn đầu về thăm, tặng quà Tết bà con nơi đây.

Kon Pne-nơi mà vài năm trước, mỗi khi nghe nhắc tới ai nấy cũng thường lắc đầu, lè lưỡi. Nào là chống gậy đi bộ cả 2-3 ngày đường mới tới. Muỗi, vắt nhiều như lá rừng. Đi đã khó, về càng khó hơn. Thì cũng đúng thôi, tôi ngồi trên xe ô tô mà còn rợn cả tóc gáy nữa là…

Đường từ thị trấn Kbang vào Kon Pne dài ngót trăm cây số nhưng cũng chẳng thấm tháp gì với khoảng chục cây số đường đèo trước khi tới xã, phải nói chính xác đó là chiếc bẫy của tử thần thì đúng hơn. Qua khỏi Lâm trường Đak Roong chừng chục cây số là gặp ngọn đèo hiểm trở, đường hẹp, dốc, quanh co liên tục, nhiều đoạn xuống cấp, mặt đường trơ cả đá, một bên vách núi, bên này là vực, chẳng biết sâu đến đâu bởi sương mù dày đặc.

Xe hai cầu, anh Phạm Minh Khôi đã có thâm niên hơn 30 năm, trong đó nhiều năm ngang dọc trên đường Trường Sơn mà xe cứ xóc nảy, rung bần bật, có lúc lại như trôi nhẹ trong lớp sương bay lãng đãng. Phải mất cả tiếng đồng hồ mới xuống hết đèo. Sương tan. Những nếp làng của Kon Pne nằm rải rác trong thung lũng. Cạnh đó, những mảnh ruộng nhỏ bàn cờ, chòi lúa nổi trên ruộng (còn gọi là nhà đầm) trông như sa bàn.

Diện mạo nông thôn Kon Pne ngày càng khởi sắc. Ảnh: Minh Triều


Mấy năm trước, Kon Pne còn là “ốc đảo”, có muốn cũng không được “nín thở” ngồi trên xe ô tô như tôi bây giờ. Theo lời kể của số ít người đã từng đến đây thì ngày ấy phải đi đường rừng từ xã Krong qua chứ không theo đường đèo như hiện nay. Đường đã xa lại cực kỳ nguy hiểm, hành lý nhẹ thôi và ai nấy đều phải trang bị cho mình một cây gậy, bởi nếu không cẩn thận bị trượt dốc thì coi như mất mạng! Đời sống tự cung, tự cấp. Chọn giữa việc dời làng ra vùng có điều kiện hơn hay ưu tiên đầu tư cho xã cực xa này, trước hết là làm đường giao thông đến tận nơi là vấn đề được Tỉnh ủy và UBND tỉnh suy nghĩ tìm ra giải pháp tối ưu.

Đó là câu chuyện trong bữa cơm chiều tại nhà ăn của UBND xã Kon Pne. Cơm dân dã thôi nhưng câu chuyện quanh bàn ăn thì rất rôm rả. Không bất ngờ khi nghe những thông số về mức đầu tư xấp xỉ 50 tỷ đồng cho Kon Pne.

Từ chỗ trước đây hoàn toàn không có gì mà thoáng chốc xã vùng cực sâu, cực xa này đã có một cơ ngơi khang trang, đồ sộ: nào là trụ sở xã xây 2 tầng kiên cố tại làng Kon Ktonh làm trung tâm, rồi các công trình hạ tầng khác bao quanh cũng đã xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng phục vụ dân sinh: điện, điện thoại, trường học, trạm y tế, nhà rông văn hóa và đặc biệt là trạm thu phát truyền hình. Sau hơn 30 năm, nói chính xác là sau nhiều thế kỷ, Kon Pne đã phần nào mang dáng dấp một thị tứ văn minh, cuộc sống người dân nơi đây đã đổi đời!

Sau bữa cơm tập thể, tôi cùng Tổng Biên tập Đoàn Minh Phụng “dạo phố” Kon Pne. Thời tiết cuối năm lạnh cóng và gió thổi mạnh. Gió quất những làn hơi lạnh buốt lên thịt da người. Thung lũng Kon Pne như một chiếc cối xay khổng lồ hút gió từ trên cao đổ xuống rồi chuyển động, xoay vòng đủ chiều. Người dày lên bởi áo ấm, khăn quàng, trong chạng vạng chiều chỉ thấy hai con mắt…

Các thầy-cô giáo đang chuẩn bị cơm tối. Có vài chục giáo viên song phải chia làm hai bếp cho dễ nấu nướng. Phải nói rằng giữa bao nhiêu công trình hạ tầng ở Kon Pne thì sự xuất hiện ngôi trường phổ thông là một dấu ấn quan trọng nhất đối với sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội vùng sâu này. Ngày chúng tôi vào xã, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Kon Pne có 22 lớp tiểu học và THCS, có cả giáo viên môn Tiếng Anh, Mỹ thuật, không thua kém gì các trường ở thị trấn huyện.

Trời chợt tối và đêm xuống nhanh. Ai đó đã đốt một đống lửa củi trước sân ngôi nhà nhỏ của 2 vợ chồng “nhà đài” Phạm Tồn Nhơn-Nguyễn Thị Nghĩa và cùng ngồi quanh sưởi ấm. Vợ chồng anh Nhơn đang làm việc, tiếp sóng từ vệ tinh. Chuyện của họ đủ để viết cả cuốn tiểu thuyết. Số là, anh Nhơn vào đây trước rồi vợ vào thăm, thấy chồng vất vả và cũng không muốn làm phận vợ chồng Ngâu nên bèn… xin lãnh đạo cơ quan chuyển mình vào luôn. Hai vợ chồng bám trụ với vùng đất này, con gửi ngoài thị trấn cho ông bà ngoại, ngoài chăn nuôi heo, gà còn bán thêm nước giải khát, kẹo bánh… “cho đỡ buồn”-chị Nghĩa cười rồi nói với tôi như vậy.

Đêm dần khuya, bên bếp lửa hồng có thêm mấy thầy-cô giáo cùng ngồi hàn huyên. Họ kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu tiên đến vùng đất này. Không ai nghĩ rằng mình có thể ở được vài tháng, vậy mà họ đã trụ lại đến hôm nay và nhiều cặp đã bén duyên. Vui chuyện không biết đêm đã sang canh từ lúc nào. Ngước về phía đông, nơi ngọn núi Kon Ka Kinh xa mờ, nền trời đã hửng nhẹ…

Đã hơn 10 năm kể từ chuyến đi lần ấy, Kon Pne hôm nay không còn là “ốc đảo”, đang từng ngày khởi sắc. Thi thoảng đọc trên báo biết được sự đổi mới của xã vùng khó này, tôi lại tự hỏi: Không biết những người mình gặp năm xưa ở Kon Pne giờ ra sao?

 THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm