Xã hội

Đời sống

Gia Lai: Phản biện xã hội về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 15-11, ông Đinh Ngọc Hải-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Dự hội nghị phản biện có đại diện HĐND tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh; đại diện lãnh đạo UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam một số huyện, thị xã, thành phố; các Hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.

z6034501993308-fbf12d81913c3001745705c1908427d3.jpg
Quang cảnh hội nghị phản biện tại Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Ảnh: P.D

Chương trình Bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 590/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một trong những chủ trương hết sức nhân văn, thiết thực của Đảng và Nhà nước ta, nhằm ổn định dân cư và phát triển kinh tế-xã hội đồng đều giữa các vùng, các dân tộc.

Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh còn 25 dự án với quy mô 2.042 hộ đang có nhu cầu cần bố trí ổn định dân cư, gồm: Bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung, xen ghép và ổn định tại chỗ.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có Quy định cụ thể về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện các nội dung, giải pháp Chương trình Bố trí dân cư, gây khó khăn trong việc căn cứ lập dự toán kế hoạch hàng năm, kế hoạch giai đoạn; đặc biệt là gây khó khăn cho các cơ quan, ban, ngành căn cứ trong việc thẩm định, phê duyệt dự án bố trí dân cư. Do đó, việc ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo tính thống nhất khi triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Về đối tượng áp dụng là hộ gia đình, cá nhân được bố trí ổn định theo hình thức tái định cư tập trung hoặc xen ghép được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể: Hộ gia đình, cá nhân bị mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét; sinh sống ở vùng có nguy cơ bị sạt lở đất, sụt lún đất, lốc, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng. Hộ gia đình, cá nhân sống ở vùng đặc biệt khó khăn, thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu, ô nhiễm môi trường. Hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến các vùng biên giới, khu kinh tế-quốc phòng…

z6034500618950-97bc5a8206bb3d5bd400f47fde5e817d.jpg
Các đại biểu tham gia ý kiến vào các dự thảo văn bản. Ảnh: P.D

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến đối với tờ trình đề nghị ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Dự thảo Nghị quyết Quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình Bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Các đại biểu đã tham gia ý kiến đối với tên nghị quyết, căn cứ pháp lý, đối tượng áp dụng, bố cục, nội dung cơ bản của nghị quyết. Theo đó, tên nghị quyết cần có mốc thời gian, giai đoạn cụ thể; cơ sở pháp lý ngắn ngọn nhưng đầy đủ; nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, điều kiện hỗ trợ, phương thức hỗ trợ cần phù hợp với điều kiện thực tế, cần cụ thể để thống nhất trong triển khai thực hiện và thuận tiện trong quá trình giám sát...

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đinh Ngọc Hải nhấn mạnh, 11 lượt ý kiến góp ý tại hội nghị đều sát với các dự thảo văn bản, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp, chuyển cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện dự thảo văn bản, tham mưu UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh sớm ban hành, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Có thể bạn quan tâm