TN - Đất & Người

Ðêm mưa không còn nghe đất lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dân sinh sống hai bên bờ sông Đăk Sghé đón thông tin UBND tỉnh ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp "Khắc phục sạt lở sông Đăk Snghé” với niềm vui mừng khó tả.

“Sau này chúng tôi sẽ không còn nơm nớp lo sông nuốt đất. Đêm mưa không còn giật mình vì nghe đất lở nữa”- họ nói.

Những vết lở khoét sâu vào bờ sông Đăk Snghé sau nhà ông A Trầm thôn Kon Skôi (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, Kon Tum) luôn ám ảnh tâm trí tôi. Chúng như những cái miệng đang nham nhở cười đầy dọa dẫm.

“Hồi trước, bờ sông còn ở xa cả chục mét. Bây giờ thì sát móng nhà bếp rồi”- ông A Trầm nói và xăng xái dẫn tôi ra sát mép sông để chỉ cho thấy vệt sạt lở mới tinh, chỉ cách móng nhà chưa tới 10m.

“Nó mới sạt lở vài hôm thôi, do mưa nhiều quá, đất yếu, không chịu nổi. Trước đây, đất nhà mình rộng lắm, bờ sông ở tít ngoài kia, thế mà nay đã lở đến đây rồi. Có những đêm lũ về, nằm trong nhà nghe tiếng đất lở ầm ầm. Cứ đà này thì chẳng mấy nữa mà vào đến nhà- ông A Trầm nói.

Vậy sao ông vẫn ở lại? Tôi hỏi.

Sông Đăk Snghé đã ''nuốt'' gần hết đất vườn nhà ông A Trầm. Ảnh: HL

Sông Đăk Snghé đã ''nuốt'' gần hết đất vườn nhà ông A Trầm. Ảnh: HL

Nhà mình thì mình vẫn phải ở chứ- ông A Trầm nói- mình có đất rẫy phía trên đồi, nhưng do chưa có kinh phí để làm nhà nên chưa đi. Nhìn vậy chứ đến mùa mưa là mình gói ghém đồ đạc sẵn sàng rồi, chỉ cần mưa lớn là di dời đến nơi an toàn ngay.

Ông A Trầm còn dẫn tôi đi xem mấy ngôi nhà nằm gần bờ sông, nhà nào cũng nằm trong diện nguy hiểm. Sau nhiều ngày mưa liên tục, nước sông dâng cao, đục ngầu, cuồn cuộn chảy xói mạnh vào bờ đất cao lở loét.

Một số hộ gia đình ở đây, giống như ông A Trầm, đã quen với việc gói ghém sẵn đồ đạc, di dời đi nơi khác bất cứ khi nào để tránh sạt lở đất.

Đã từng có những đợt kiểm tra khá kỹ lưỡng, với sự tham gia của các cấp chính quyền và ngành chức năng, chưa kể các đợt kiểm tra của lãnh đạo tỉnh, giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND các cấp.

Tất cả đều có chung đánh giá: Đoạn sông Đăk Snghé đi qua Khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy đang sạt lở nghiêm trọng do tác động của dòng chảy mạnh.

Cụ thể, một số điểm sạt lở đã lan rộng và ảnh hưởng sâu vào bên trong bờ sông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và cuộc sống của cư dân. Chịu ảnh hưởng nặng nhất là khu vực đầu cầu Kon Brai thuộc Quốc lộ 24, với 350 hộ dân (khoảng 1.300 nhân khẩu) sinh sống hai bên bờ sông.

Các công trình hạ tầng kỹ thuật cũng không tránh khỏi tác động của sạt lở, đặc biệt là tuyến Tỉnh lộ 677 nối từ xã Đăk Kôi, Đăk Tơ Lùng và các tuyến giao thông ở Khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy.

Ngoài ra, đường giao thông kết nối từ Quốc lộ 24 vào làng Kon Skôi cũng đối mặt với nguy cơ sạt lở. Một số đoạn kè bảo vệ bờ sông được xây dựng trước đây cũng đã bị cuốn sập.

Ở Khu trung tâm hành chính huyện, tuyến đường chạy dọc theo bờ sông bị sạt lở hàng trăm mét, nhiều điểm sạt lở vào tới mép đường và vẫn có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Một vị trí sạt lở tại Khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy. Ảnh: H.L

Một vị trí sạt lở tại Khu trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy. Ảnh: H.L

Đáng lo ngại là tất cả các điểm sạt lở đều ở vị trí xung yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của khu dân cư, ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng trong khu vực, nguyên nhân sạt lở là do mưa lũ.

Suốt nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã tiến hành cắm biển cảnh báo tại những khu vực bị sạt lở và có nguy cơ cao xảy ra sạt lở; kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, khắc phục tình trạng mất cân bằng bùn cát để hạn chế nguy cơ sạt lở; ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép.

Đồng thời tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực bờ sông bị sạt lở, bố trí đến nơi ở ổn định, an toàn; đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sự cố sạt lở ven sông.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc chống sạt lở không thể giải quyết đơn giản bằng một vài biện pháp nhỏ lẻ, mà cần có những giải pháp chủ động và dài hơi, đòi hỏi sự đầu tư lớn.

Xây hệ thống kè đủ để bảo vệ bờ sông ngăn nước xâm thực, sạt lở là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay- các chuyên gia khuyến cáo. Đó cũng là mong ước của người dân sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở cao.

Và mới đây, mong ước ấy đã thành hiện thực, khi Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn ký Quyết định số 122/QĐ-UBND ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp “Khắc phục sạt lở sông Đăk Snghé”.

Trước đó, Thường trực Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương phân bổ 130 tỷ đồng từ nguồn kinh phí Trung ương bổ sung năm 2023 để xây dựng công trình cấp bách dự án Kè chống sạt lở sông Đăk Snghé, huyện Kon Rẫy.

Theo Quyết định số 122, một tuyến kè sông dài 1km sẽ được hoàn thành trong năm 2024, mục đích là khắc phục sạt lở bờ sông, đảm bảo an toàn, ổn định chỗ ở, sinh hoạt và đất sản xuất cho dân cư; bảo vệ công trình hạ tầng đã được xây dựng trong phạm vi của công trình.

Ông Nguyễn Văn Thủy- Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Rẫy chia sẻ rằng đây thật sự là một tin vui đầu năm. Việc Thường trực Tỉnh ủy thống nhất chủ trương phân bổ kinh phí xây dựng kè chống sạt lở và UBND tỉnh ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp cho thấy sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với dự án này.

Khi dự án hoàn thành sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân dọc hai bên bờ sông, bảo vệ an toàn công trình hạ tầng, trụ sở cơ quan nhà nước. Đồng thời từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng Khu trung tâm hành chính huyện theo quy hoạch, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại V và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Lẽ tất nhiên, người dân sinh sống hai bên bờ sông Đăk Sghé (đoạn chảy qua Trung tâm hành chính huyện Kon Rẫy) đón nhận thông tin này với niềm vui mừng khó tả.

“Sau này chúng tôi sẽ không còn nơm nớp lo sông nuốt đất, nuốt nhà. Đêm mưa không còn phải giật mình thon thót vì nghe đất lở nữa”- họ nói.

Có thể bạn quan tâm