(GLO)- Bữa cơm chiều vội vàng ở một nhà hàng Thượng Hải vừa xong thì thành phố đã lên đèn. Tôi có cảm giác như mình bị ngập giữa vùng ánh sáng đa chiều rọi chiếu từ những tòa cao ốc chọc trời đan dày như nấm mọc sau mưa. Ở đây, khái niệm về nhà cao tầng phải tính từ tầng 31 trở lên. Tôi không nghĩ mình có thể sống được trên những “tổ chim” chênh vênh ấy. Mà nghe đâu mỗi mét vuông sàn ở trên cao tầng đó đắt ngang với kim cương!
Đêm nhộn nhịp trong lòng Thượng Hải-một thành phố hoa lệ vào bậc nhất Trung Hoa đại lục dường như không có khởi đầu và không có kết thúc. Cứ thế từng dòng người rong ruổi hết khu phố này đến khu phố khác trong ánh đèn màu lấp lánh. Tôi theo đoàn đến Bến Thượng Hải để mua vé lên tàu ngao du sông Hoàng Phố-nơi mà du khách không mấy ai chịu bỏ qua trên chặng hành trình.
Một góc sông Hoàng Phố về đêm. Ảnh: B.Q.V |
Được biết, sông Hoàng Phố được hình thành từ thời chiến quốc, thuộc nước Sở, khi xưa mang tên Tùng Giang là con sông đào nối liền với Tô Giang (trên đất Tô Châu). Con sông khá rộng nhưng không dài lắm, chia cắt Thượng Hải ra đôi bờ Đông-Tây, cách Cửa Thượng Hải không xa. Chiếc tàu du lịch trên sông nước có sức chứa vài trăm du khách nặng nề rời bến, mọi người chen nhau trên tầng thượng-nơi có thể thoải mái ngắm nhìn toàn cảnh phố Đông và phố Tây về đêm. Dòng sông chảy xiết, phản chiếu muôn sắc màu nhấp nhô theo sóng lượn, những con tàu dập dềnh, lung linh, kỳ ảo khoe dáng như các cô nàng trong đêm đăng quang hoa hậu. Mặt nước trên sông giờ đây trở thành sân khấu cho những vũ công thi nhau phô diễn vẻ kiều diễm của mình. Ánh đèn flash nhấp nháy liên hồi, dường như ai cũng cố thu về cho mình những cảnh sắc tuyệt vời trong khoảnh khắc lý tưởng nhất.
Bên bờ phố Tây uy nghi, trầm mặc với lối kiến trúc Đông-Tây hòa hợp, nơi mà chế độ phong kiến nhà Thanh cách nay hơn 150 năm đã phân chia vùng tô giới cho những vị khách phương Tây không mời mà đến. Chính vì bấy giờ mỗi nước một kiểu phô trương kiến trúc đặc sắc của mình nên giờ đây bờ Tây của sông Hoàng Phố trở thành một bảo tàng kiến trúc ngoài trời tạo nên ấn tượng khó quên trong lòng du khách.
Nếu phố Tây mang dáng dấp cổ điển, đa chiều thì bên bờ phố Đông lại thể hiện sự sinh động, hoành tráng của lối kiến trúc hiện đại với những building chọc trời. Nổi bật lên nền trời đêm lấp lánh như viên ngọc tỏa sáng là tháp Truyền hình Đông Phương Minh Châu và khu Trung tâm Tài chính toàn cầu. Phố Đông thực sự phát triển chỉ vài thập kỷ trở lại đây dưới thời Đặng Tiểu Bình và nó đã bừng sáng trở thành chốn hoa lệ hàng đầu thế giới, biến lưu vực sông Trường Giang thành cửa ngõ quốc tế vào vùng Giang Nam rộng lớn. Nối đôi bờ Đông-Tây là cây cầu nổi và những đường hầm xuyên lòng sông Hoàng Phố. Đặc biệt cầu Phố Giang nằm phía Nam Thượng Hải có lối kiến trúc độc đáo hình xoắn ốc, được xem là kỳ quan của ngành xây dựng cầu đường thế giới, hình thành từ ý tưởng của một cậu bé mới 9 tuổi ở địa phương.
Nhìn Thượng Hải hôm nay, tôi không thể nào hình dung được ngày xưa nơi đây chỉ là làng vạn chài với những ngư dân lầm lũi mưu sinh trên miền sông nước. Nó giống như một câu chuyện cổ tích mà ông Bụt hiện lên có phép thần thông hô biến để một ngôi làng Thượng Hải nghèo xơ xác trở thành một kinh đô tráng lệ, ai cũng trở thành những lái buôn giàu có. Bỗng nhiên trong tôi-kẻ viễn du xứ người lại nhớ về quê nhà với những dòng sông, cửa biển xinh xinh và những làng chài còn bao lam lũ, nhọc nhằn, ước gì mai này cũng sẽ trở giấc hóa thành các đô thị như thế. Tôi tin rằng một ngày gần đây, câu chuyện cổ ấy rồi sẽ biến thành sự thật ở quê hương mình.
Bùi Quang Vinh