Thể thao

Thể thao cộng đồng

Đến bao giờ sân V-League mới hết bị than phiền ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ngoài những gam màu tươi sáng, giải đấu hàng đầu Việt Nam sẽ trở nên trọn vẹn hơn nếu không còn vướng phải những “hạt sạn”: Một số sân vận động vẫn không đáp ứng được yêu cầu về công tác tổ chức trận đấu khiến nhiều đội bóng “khóc ròng”.
 
Sân Thiên Trường bị tưới nước quá tay ? ẢNH: MINH TÚ
Sân Thiên Trường bị tưới nước quá tay ? ẢNH: MINH TÚ
Sân đầy nước, sân “khô như ngói”
Hùng Dũng di chuyển ở khu vực giữa sân, bóng được đẩy vào vòng cấm rồi... nằm im giữa một “bãi nước” to khoảng bằng hai lòng bàn tay. Đội Hà Nội lỡ một nhịp tấn công. Xuân Tân thoát được vòng vây của hàng thủ Hà Nội FC và định xâm nhập khu vực trung lộ nhưng vấp ngã vì một mảng cỏ đã bị xới lên. Đội chủ nhà Nam Định (NĐ) cũng lỡ một pha tấn công. Hai tình huống hỏng ăn trong trận khai màn mùa giải 2021 là ví dụ điển hình để minh chứng cho chất lượng mặt sân Thiên Trường tác động xấu thế nào đến chất lượng chuyên môn trận đấu. Trời không mưa nhưng mặt sân đầy... nước, chỗ xâm xấp, chỗ lõng bõng, chỗ đọng thành vũng. Xem trực tiếp hay theo dõi qua ti vi đều thấy không hiếm cảnh, đất bị xới tung tóe, cỏ bắn ngược lên trời.
VPF nói gì ?
Ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF, cho biết: “Do mùa giải 2020 vừa kết thúc ngày 8.11.2020 mà mùa giải mới đã khởi tranh vào ngày 15.1.2021. Các CLB chỉ có hơn 2 tháng để chuẩn bị tất cả vấn đề vốn đã rất bề bộn, trong đó có kinh phí cho đội, sân bãi. Một số đội còn vướng cơ chế nên gặp khó khăn khi muốn cải tạo sân bãi. Nhưng rõ ràng, chất lượng trận đấu sẽ không thể cao nếu như mặt sân không tốt. Chưa kể cầu thủ dễ bị chấn thương. Vì thế, VPF mong muốn các địa phương, các sở VH-TT-DL quan tâm sâu sắc hơn đến tình hình chuẩn bị sân của các đội. Đảm bảo kinh phí cho vấn đề này. Các CLB cũng nên tranh thủ các quãng nghỉ của mùa giải (khi đội tuyển tập trung) để nâng cấp mặt sân”.    
Trung Ninh
Mặt sân Thiên Trường tưới nước chạy bung hết cỏ và trơn trượt. Ảnh: MINH TÚ
Mặt sân Thiên Trường tưới nước chạy bung hết cỏ và trơn trượt. Ảnh: MINH TÚ
Trận đấu giữa Sông Lam Nghệ An (SLNA) và Bình Định cách đây một ngày cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Sân Vinh không bị sũng nước thì lại lâm vào tình cảnh “khô như ngói”, mặt sân rắn đanh, cỏ chỗ vàng chỗ xanh, nhưng có chỗ còn không còn cỏ như khu vực hai bên cầu môn vì là khu vực bị cầu thủ “cày xới” nhiều nhất. Chính HLV đội chủ nhà còn phải lên tiếng thừa nhận SLNA “thèm muốn” được thi đấu trên một mặt sân mềm mại, dễ đá. Còn HLV đội khách Nguyễn Đức Thắng kêu oai oái: “Năm ngoái, chúng tôi đá trận đầu tiên của Cúp quốc gia trên sân Vinh và khi đó cảm thấy ấn tượng khá tốt về mặt sân. Nhưng khi trở lại, không thể tưởng tượng mặt sân lại khá tệ, tệ hơn nhiều so với thời điểm đó. Chơi bóng ở mặt sân kiểu này, thật là bất an vì cầu thủ rất sợ dính chấn thương”.
Đừng đổ hết lỗi cho thời tiết
Đúng là yếu tố thời tiết khắc nghiệt đã tác động không nhỏ đến mặt sân. Nhưng thử so sánh các sân ở cùng miền với nhau, cùng chịu điều kiện khách quan (mùa đông nhiệt độ xuống thấp, gió rét, sương muối...), thì lại thấy có sự khác biệt rõ rệt. Tại sao sân Vinh, sân Thiên Trường bị các đội kêu ca còn sân Hà Tĩnh lại “long lanh” thế. Ở trận đấu giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (HLHT) và Than Quảng Ninh ngày 17.1, mặt cỏ mịn, xanh, không sũng nước, không rắn như bê tông. Vậy phải chăng do yếu tố con người mà chất lượng mặt sân mỗi nơi lại có sự xấu - đẹp khác nhau.
Đại diện đơn vị quản lý sân Thiên Trường ca ngợi nhân viên chăm sóc sân thuộc vào diện giỏi nhất Việt Nam. Giỏi thế nào không biết, chỉ biết lúc các đội thi đấu mà mặt sân không “ngon lành cành đào” thì một phần trách nhiệm thuộc về cả nhân viên lẫn đơn vị được Sở VH-TT-DL NĐ giao bảo quản sân. Và cao hơn nữa chính là lãnh đạo sở này. Hay như sân Vinh, không phải lần đầu bị ta thán. Trước mùa giải 2020, VPF đã tiến hành khảo sát và có văn bản đề nghị UBND tỉnh, Sở VH-TT Nghệ An hỗ trợ CLB SLNA cải tạo, nâng cấp sân Vinh, đảm bảo đúng yêu cầu của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên có lẽ do khó khăn kinh phí mà sân Vinh vẫn chưa được cải tạo một cách triệt để. Vào mùa hanh khô, sân này không khác gì mặt sân bê tông, còn vào mùa mưa, sân biến thành mặt ruộng. Không chỉ mặt cỏ xấu, sân Vinh còn bị phàn nàn về dàn đèn không đủ ánh sáng. Gần 18 giờ (hết hiệp 1), đèn được bật nhưng vì hệ thống chiếu sáng không đúng quy chuẩn (phải 900 lux) nên sân Vinh bị kêu là tối om om. Bởi thế, SLNA mới bị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) liệt vào 1 trong số 4 đội không đáp ứng được tiêu chí chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá châu Á mấy mùa liên tiếp.
 
Dàn đèn sân Vinh đã không đủ sáng theo yêu cầu, lại còn bị cháy bóng. Ảnh: NHÂN VĂN
Dàn đèn sân Vinh đã không đủ sáng theo yêu cầu, lại còn bị cháy bóng. Ảnh: NHÂN VĂN
Một lãnh đạo CLB SLNA chia sẻ với Báo Thanh Niên: “Sân Vinh được xây dựng từ cách đây gần 20 năm, xuống cấp khá nhiều hạng mục. Nhưng sân là tài sản của nhà nước, với sự quản lý của Sở VH-TT Nghệ An. Mặc dù đội đã được tỉnh giao cho nhà tài trợ rót tiền nhưng tiền đó để nuôi cầu thủ chứ tiền sửa sân phải là ngân sách tỉnh. Chúng tôi có muốn “đụng” vào chỗ nọ chỗ kia, phải xin phép. Tôi được biết, tỉnh cũng đã cân đối ngân sách để thực hiện việc cải tạo sân nhưng khi nào thực hiện thì cũng phải chờ. Trước mùa giải, mặt sân cũng đã được bón phân, hy vọng sau vài lượt trận tới, chất lượng cỏ sẽ tốt hơn”. Cũng theo vị lãnh đạo này, SLNA đã tính đến phương án thuê sân để làm sân nhà tại V-League còn sân Vinh có thời gian tu sửa. Nhưng “Tính đi tính lại, cái khó vẫn nằm ở việc không có tiền để thuê sân. Hơn 200 triệu đồng/trận. Chúng tôi quả thật không có nhiều tiền đến vậy. SLNA không dư dả gì cả. Nên vẫn đành thi đấu ở sân Vinh”.
Theo Nhật Duy (TNO)

Có thể bạn quan tâm