Giáo dục

Đến Khu di tích trường Dục Thanh tìm hiểu về cuộc đời cao đẹp của Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Du khách từ mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến Phan Thiết đều ghé qua trường Dục Thanh để tìm hiểu về cuộc đời cao đẹp của Người, từ nếp sống giản dị, chân thật, đến lòng yêu nước thương dân.
Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Nhắc đến Phan Thiết, chúng ta thường nghĩ đến những bãi biển đẹp, những đồi cát mênh mông.

Nhưng không chỉ vậy, Phan Thiết còn một địa điểm di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đó là Khu di tích trường Dục Thanh.

Trường Dục Thanh là nơi ghi dấu sự kiện thời thanh niên của Bác Hồ với tên gọi Nguyễn Tất Thành đã dừng chân dạy học từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Bằng tâm huyết, tình cảm, Người đã truyền đạt những kiến thức văn hóa và khơi dậy tinh thần yêu nước cho các học trò của mình trước khi Người vào Sài Gòn, ra nước ngoài tìm đường cứu nước.

Du khách từ mọi miền đất nước mỗi khi có dịp đến Phan Thiết đều ghé qua Khu di tích trường Dục Thanh để tìm hiểu về cuộc đời cao đẹp của Người, từ nếp sống giản dị, chân thật, đến lòng yêu nước thương dân và đặc biệt là hình ảnh thầy giáo trẻ hết lòng chăm lo cho sự nghiệp “trồng người."

Quá trình hình thành khu di tích trường Dục Thanh

Nằm ở trung tâm thành phố Phan Thiết, bên dòng sông Cà Ty, tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, trường Dục Thanh ra đời và hoạt động từ năm 1907 đến năm 1912 theo chủ trương chung của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng, đó là muốn mở mang dân trí trước hết phải thành lập trường dạy học.

Trường do ông Nguyễn Trọng Lội và ông Nguyễn Quý Anh là hai người con của nhà thơ, nhà văn yêu nước Nguyễn Thông cùng các nhân sỹ yêu nước đứng ra sáng lập, là một trường tư thục có nội dung giảng dạy tiến bộ thời bấy giờ.

Khuôn viên bên trong Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Khuôn viên bên trong Khu di tích Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Trường dạy chữ Quốc ngữ là chính, bên cạnh đó dạy chữ Hán, chữ Pháp và môn thể dục. Trường có 7 thầy giáo, với Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Quý Anh. Học sinh của trường lúc đông nhất khoảng 50-60 học sinh, trong đó chỉ có 4 học trò nữ, chia làm 4 lớp là tư, ba, nhì, nhất.

Ba năm sau khi ngôi trường thành lập, ông nghè Trương Gia Mô - bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc - giới thiệu Bác đến dạy học ở ngôi trường này. Từ đó, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành mới 20 tuổi trở thành thầy giáo trẻ nhất nơi đây.

Lớp học nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Lớp học nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học tại trường Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Thầy Thành chịu trách nhiệm dạy môn Quốc văn, Hán Văn và kiêm nhiệm môn thể dục. Khi giáo viên Pháp văn vắng mặt, thầy Thành đảm nhận dạy luôn tiếng Pháp. Trong thời gian dạy học ở ngôi trường này, thầy giáo Thành đã truyền cho những học trò của mình lòng yêu quê hương đất nước. Vào giờ ngoại khóa, thầy thường dẫn học trò đi tham quan các cảnh đẹp của Phan Thiết.

Vào tháng 2/1911, thầy giáo Thành đã rời trường Dục Thanh đến Sài Gòn để ra đi tìm đường cứu nước.

Khám phá kiến trúc cùng di vật của khu di tích

Cho đến nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, kiến trúc Khu di tích trường Dục Thanh vẫn còn gần như nguyên vẹn. Từ xa nhìn lại, du khách có thể nhận ra ngay ngôi trường nằm cạnh dòng sông Cà Ty hiền hòa với những mái nhà rêu phong cổ kính.

Lớp học Bác từng dạy học tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Lớp học Bác từng dạy học tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Trong khuôn viên trường Dục Thanh là vườn cây, tiểu cảnh được chăm chút gọn gàng. Dạo quanh một vòng khuôn viên, du khách sẽ được khám phá cấu trúc ngôi trường với 2 nhà lớn bằng gỗ và 1 nhà lầu nhỏ. Hai nhà lớn bằng gỗ được dùng làm phòng học. Trong phòng học, 2 bảng đen được đặt phía trên, bên dưới là những bộ bàn ghế bằng gỗ.

Bên phải của gian phòng học là nhà Ngư, là nơi chứa ngư lưới cụ và làm cá, mắm của gia đình con cháu cụ Nguyễn Thông, được xây dựng năm 1906. Năm 1907, trường Dục Thanh ra đời và nhà Ngư trở thành nơi nội trú của thầy giáo và học trò ở xa đến dạy và học. Trong thời gian dạy học tại đây, thầy giáo Thành cũng ở nội trú tại ngôi nhà này.

Ngọa Du Sào, nơi Bác nghỉ ngơi, đọc sách và làm việc trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Ngọa Du Sào, nơi Bác nghỉ ngơi, đọc sách và làm việc trong thời gian dạy học ở trường Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Phía sau phòng học và nhà Ngư là Ngọa Du Sào (có nghĩa là “ổ nằm chơi”) được xây dựng năm 1880. Khi về cuối đời cụ Nguyễn Thông cho xây dựng ngôi nhà để ở và dùng căn gác làm nơi uống trà, ngâm thơ, bình thơ, bình văn và sáng tác lúc tuổi già và cũng là nơi luận bàn trao đổi công việc với các sỹ phu yêu nước. Trong thời gian dạy học tại trường Dục Thanh, thầy Thành thường xuyên lui tới đây để đọc sách, chấm bài và thỉnh thoảng nghỉ trưa.

Phía sau Ngọa Du Sào, du khách sẽ được ghé thăm một giếng nước cổ được xây bằng gạch. Đến nay, giếng nước vẫn sạch sẽ trong veo. Gần giếng nước là cây khế trăm tuổi do vợ cụ Nguyễn Thông trồng cách đây đã hơn 1 thế kỷ.

Trong thời gian dạy học tại trường, thầy Thành thường lấy nước ở giếng để dùng trong sinh hoạt và tưới cây trong vườn. Cây khế được thầy Thành chăm sóc năm 1910, đến nay vẫn ra hoa kết quả quanh năm, nhân dân Phan Thiết thường gọi cây khế “Bác Hồ."

Giếng nước trước đây Bác dùng để sinh hoạt tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Giếng nước trước đây Bác dùng để sinh hoạt tại trường Dục Thanh, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Ngoài kiến trúc được giữ gìn gần như nguyên vẹn, những hiện vật gốc còn lưu giữ tại di tích Dục Thanh gồm 1 bộ họa đàng trường kỷ, 1 bộ ván gõ 3 tấm, 1 chiếc án thư, 1 chiếc tủ đứng, 1 chiếc thang gỗ, tráp văn thư, nghiên mài mực, 3 chiếc ly nhỏ, 1 chiếc khay... Đó là những kỷ vật thiêng liêng gắn liền với thời gian và lịch sử của những năm tháng dạy học ở Phan Thiết của thầy giáo Nguyễn Tất Thành.

Sau ngày quê hương được giải phóng, từ tháng 11/1978 đến tháng 12/1980, trên cơ sở một phần di tích gốc còn lại và dựa theo lời kể, bản vẽ phác họa của 4 cụ học trò của Bác năm 1910 còn sống, khu di tích trường Dục Thanh được trùng tu lại.

Tất cả vật dụng của Bác đều được bảo quản nguyên vẹn tại Khu di tích Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Tất cả vật dụng của Bác đều được bảo quản nguyên vẹn tại Khu di tích Dục Thanh. (Ảnh: Hồng Hiếu/TTXVN)

Sau đó, công trình Nhà Trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 1983 và khánh thành ngày 17/5/1986 - đúng vào dịp mừng sinh nhật Bác lần thứ 96.

Khu di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia vào ngày 12/12/1986.

Có thể bạn quan tâm