Điểm đến Gia Lai

Đến năm 2025, nâng độ che phủ rừng lên 47,75%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chiều 5-7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Đề án phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao độ che phủ, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030.
Tại hội nghị, đại diện một số sở, ngành và các trí thức đã tham gia góp ý nhằm hoàn chỉnh đề án. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 bảo vệ diện tích rừng hiện có hơn 645.370 ha (478.810 ha rừng tự nhiên, 152.471 ha rừng rồng, 14.089 ha rừng trồng chưa thành rừng), phục hồi và phát triển rừng; nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế-xã hội, môi trường của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất. 
PGS.TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật chủ trì hội nghị. Ảnh Lê Nam
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lê Nam
Đồng thời, bảo vệ phát triển rừng gắn với bảo tồn và phát triển các loại cây dược liệu; góp phần kiểm soát môi trường, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tạo tiền đề phát triển bền vững du lịch sinh thái; thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự-an toàn xã hội. Tổng dự toán nhu cầu vốn thực hiện đề án hơn 8,7 tỷ đồng.
Đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp bình quân đạt 5,5-6%/năm và giai đoạn 2025-2030 đạt 4-5%/năm; tăng năng suất rừng trồng lên 15-20 m3/ha/năm; nâng độ che phủ rừng lên 47,75% và trồng rừng mới 40.000 ha (2021-2025). 
Trên cơ sở kết quả điều chỉnh 3 loại rừng đến năm 2030 sẽ tiến hành phân định ranh giới rừng, cắm mốc ranh giới 3 loại rừng; 100% diện tích rừng của các chủ rừng phải được quản lý bền vững, bảo đảm hài hòa mục tiêu về môi trường và xã hội; giao đất trồng rừng cho hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đạt 80.000 ha; phát triển rừng sản xuất, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, chuyển trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn; giảm các cơ sở chế biến lâm sản thô, tăng dần cơ sở chế biến sâu...
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm