Bạn đọc

Đến với không gian âm nhạc Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua nhiều năm gắn bó với phong trào văn hóa văn nghệ ở vùng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, chúng tôi thấy âm nhạc dân gian Jrai có sự phát triển cân xứng giữa nhạc hát và nhạc đàn. Nói cách khác, ở bất cứ loại hình sinh hoạt âm nhạc dân gian của người Jrai ta cũng bắt gặp âm thanh vang vọng của một loại nhạc cụ. Ngay trong lúc các chàng trai, cô gái hát tỏ tình (tơlơi alư) thì ta vẫn nghe tiếng Đing goong trong tay các chàng trai hay tiếng thì thào của cây Đing jơng-Đing đék trong tay thiếu nữ. Có lẽ vì thế mà các chàng trai, cô gái Jrai thường hát:

Cô gái: Anh đã giỏi về làm cái nương cái rẫy/Anh đã giỏi về làm gùi/Anh đã giỏi về đánh giặc/Mà không giỏi về đàn thì em là con gái có ưng nhưng không ưng hết cả đời em cho anh.

Chàng trai đáp lại: Em đã giỏi về làm nương/Em đã giỏi về dệt vải/Em đã giỏi về đánh giặc/Mà em không giỏi đàn thì anh là trai chưa vợ anh vẫn chưa muốn ưng em trọn đời.


 

Nghệ nhân dân tộc Jrai diễn tấu đàn goong. Ảnh: T.V
Nghệ nhân dân tộc Jrai diễn tấu đàn goong. Ảnh: T.V

Đến với không gian âm nhạc Jrai là đến với âm điệu của những bài hát đơn sơ, chất phác, phần lớn mô phỏng âm thanh của núi rừng. Đó là tiếng gió thổi qua từng chòm lá đến tận những cánh rừng đại ngàn. Đó là tiếng chim hót rộn ràng khi mùa lúa chín, là tiếng suối reo, tiếng thác đổ, bọt nước tung trắng xóa, âm thanh đập vào những vách đá lan tỏa cả không gian kỳ vĩ. Âm điệu của những bài dân ca thường có tính chất trầm ấm, nhẹ nhàng, du dương, không có hoặc ít có những âm thanh cao vút hay dồn dập, rộn ràng như nhiều người thường nghĩ. Nhạc cụ diễn tả những âm điệu mô phỏng âm thanh của núi rừng, với những tiếng ngân nhè nhẹ trầm buồn như tiếng thì thào của những người sơn cước.

Cũng như nhiều dân tộc anh em sống trên mảnh đất Tây Nguyên, người Jrai rất gắn bó với nhạc cụ. Chẳng hạn như: Teh đing, Kni, Đing goong, Trưng đối với các chàng trai; Đing jơng-Đing dék, Đing pút-Klông pút đối với các cô gái.

Vào mùa khô, khi những cơn mưa cuối mùa vừa dứt, bầu trời Tây Nguyên hầu như không còn một bóng mây, nước dưới sông trong vắt, trông rõ từng đàn cá tung tăng bơi lội. Rừng Tây Nguyên vốn đã xanh lại càng xanh hơn. Không gian Tây Nguyên đầy ắp tiếng cồng chiêng, tiếng đàn, tiếng hát. Đó là tiếng chiêng mùa hội, tiếng đàn gọi bạn. Trong mùa lúa chín hay những đêm trăng sáng, bên ánh lửa bập bùng trên nhà rông, hòa trong hương rượu cần nồng nàn là tiếng nói cười vui, tiếng hát, tiếng Trưng, Đing pút của các chàng trai, cô gái. Những âm thanh ấy lại được vang lên cùng núi sông trên các chòi canh lúa ngoài rừng, để một mặt xua đuổi muông thú phá hoại mùa màng, mặt khác, ca ngợi cuộc sống thanh bình của quê hương xứ sở.

Mùa mưa đến. Những cơn mưa rào xối xả, nước đầy ắp những con sông, con suối, ngăn cả lối đi lên rẫy, lên nương. Vào những đêm mưa, đồng bào Jrai thường tập trung về nhà rông hay một gia đình nào đó để nghe ông già hát kể trường ca (Hri). Hri là một loại hình sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người Jrai nói riêng và người Tây Nguyên nói chung. Đồng bào nghe hát kể trường ca một cách tự giác và chăm chú. Hầu như mọi tình cảm, suy tư họ đều dồn hết vào trong tâm trạng của từng nhân vật trong từng cốt truyện.         

Trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống, quá khứ cũng như hiện tại luôn luôn đan xen tạo thành một chỉnh thể thống nhất, một phong cách độc đáo và nhất quán mà con người từ thuở mới lọt lòng mẹ đến lúc về với cát bụi đều được giáo dục, tiếp thu và được góp phần sáng tạo.

Đến với không gian âm nhạc Jrai là đến với những ngày lễ hội độc đáo mang mang tính nhân văn sâu sắc.

Thật vậy, vừa mới lọt lòng mẹ, trẻ sơ sinh đã được tiếp xúc với âm nhạc qua lời hát ru. Đến ba tháng tuổi, gia đình và cộng đồng sẽ đón em bé vào đời bằng âm nhạc cồng chiêng trong lễ thổi tai (Bet tơngia). Đến tuổi thanh niên, gia đình và cộng đồng đánh chiêng tổ chức lễ trưởng thành (Lih). Theo phong tục của người Jrai, thanh niên phải biết múa và hát, đặc biệt là những bài hát giao duyên và phải thuộc nhiều thơ dân gian để vận dụng lời ca vào làn điệu cho phù hợp với từng trạng thái tình cảm. Một trong những con đường cực kỳ quan trọng dẫn đến sự kết duyên của đôi trai gái là âm nhạc.

 

Vòng xoang Tây Nguyên.
Vòng xoang Tây Nguyên.

Đến khi đôi trai gái đã thấy “tâm đầu ý hợp”, gia đình và cộng đồng lại tổ chức lễ trao vòng (Pư hoă). Ở đây, lời ca tiếng hát, đặc biệt là âm nhạc cồng chiêng lại được vang lên trang trọng, ấm áp tình người. Tiếng chiêng vừa tạo niềm vui cho đôi bạn trẻ vừa là niềm kiêu hãnh cho cả cộng đồng làng và là nguồn cảm hứng vô tận cho lũ thanh niên trai gái nắm tay nhau nhảy múa, uống rượu thâu đêm bên ánh lửa bập bùng. Rồi âm nhạc cồng chiêng lại vang lên trong lễ xuống đồng, lễ mừng nhà mới, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, lễ đâm trâu mừng chiến thắng. Tiếp đến, âm nhạc cồng chiêng lại vang lên trong lễ mừng sức khỏe (Mơ nu). Tiếng chiêng bay qua chín tầng mây, mười tầng trời, thấm sâu vào lòng đất, lan tỏa khắp núi rừng Tây Nguyên, xua tan bao nỗi nhọc nhằn, đánh đuổi những thế lực đen tối, bảo vệ sức khỏe tuổi già, bảo vệ mùa màng, bảo vệ cuộc sống bình yên của buôn làng.

Đến khi con người “nhắm mắt xuôi tay”, tiếng chiêng lại vang lên trầm mặc, sâu lắng để đưa người quá cố ra khu nghĩa địa phía Tây của làng. Chưa hết, tiếng chiêng lần cuối cùng vang lên nặng nề, thiêng liêng nhưng không kém phần nhộn nhịp để đưa tiễn hương hồn của người quá cố về với ông bà tổ tiên nơi cõi vĩnh hằng trong ngày lễ bỏ mả (Pơthi/Huă bơsat).

Như vậy, âm nhạc đã đi suốt đời người. Đón con người vào đời bằng âm nhạc, rồi âm nhạc là người bạn đồng hành, vang lên khắp mọi nẻo của cuộc sống với mọi trạng thái tình cảm khác nhau. Rồi cũng chính âm nhạc lại đưa tiễn linh hồn của con người đi vào thế giới vĩnh hằng. Và, không phải ngẫu nhiên mà ngạn ngữ của người Jrai có câu: “Thiếu tiếng hát tiếng đàn, chẳng khác gì thiếu muối, thiếu gạo”.

Nhạc sĩ  Lê Xuân Hoan

Có thể bạn quan tâm