Đô thị

Không gian sống

Di dời chợ đêm Pleiku: Cần bảo đảm quyền lợi của các hộ kinh doanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày 1-4, chợ đêm Pleiku (phường Diên Hồng) chính thức dừng hoạt động và di dời đến chợ tạm tại khu vực bãi đậu xe đường Nguyễn Văn Linh (phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Để đảm bảo công tác di dời và ổn định tổ chức hoạt động, ngành chức năng và chính quyền địa phương đã gấp rút triển khai theo đúng tiến độ đề ra, không để gián đoạn việc mua bán và đảm bảo quyền lợi của các hộ kinh doanh.

Di dời chợ để xây dựng phố ẩm thực

Chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật (hay còn gọi là chợ đêm Pleiku) đi vào hoạt động từ năm 1998. Đây cũng là nơi cung cấp nông sản cho TP. Pleiku và các địa phương lân cận. Quá trình hoạt động, chợ đã góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân, đóng góp thêm vào nguồn thu ngân sách. Qua 26 năm hoạt động, chợ phát triển rộng ra khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật, Lê Lai, Hoàng Văn Thụ, thu hút 383 hộ kinh doanh với đa dạng ngành nghề, trong đó có 271 hộ kinh doanh rau, củ, quả; còn lại là các hộ kinh doanh thịt, cá và dịch vụ ăn uống.

Từ ngày 1-4, chợ đêm Pleiku (phường Diên Hồng) chính thức dừng hoạt động. Ảnh: V.T

Từ ngày 1-4, chợ đêm Pleiku (phường Diên Hồng) chính thức dừng hoạt động. Ảnh: V.T

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu sản xuất, kinh doanh nông sản ngày càng tăng, trong khi mặt bằng khu vực chợ chật hẹp, vị trí chợ lại nằm trên tuyến đường trung tâm của thành phố nên đã gây ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị, môi trường, an ninh trật tự. Do đó, việc di dời chợ đến địa điểm khác phù hợp hơn là cần thiết. Đồng thời, chủ trương này cũng phù hợp với Kế hoạch số 1230/KH-UBND ngày 21-4-2023 của UBND TP. Pleiku về phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn.

Ông Đỗ Việt Hưng-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Theo kế hoạch, tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật sẽ được xây dựng thành “Phố ẩm thực đêm Pleiku” nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch, tận dụng những cơ hội mới để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Lâu nay, địa điểm này đã là phố ẩm thực tự phát. Khi di dời chợ rau, củ, quả lên đường Nguyễn Văn Linh thì nơi đây sẽ được sắp xếp, đầu tư lại bài bản hơn, sạch sẽ hơn để làm phố ẩm thực”.

Anh Võ Trung Thành-du khách đến từ Kon Tum-bày tỏ: “Tuy Gia Lai và Kon Tum rất gần nhau nhưng Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng có những điểm hấp dẫn rất riêng, nhất là khí hậu mát mẻ, ôn hòa, có chợ đêm hoạt động nhộn nhịp. Tới đây, du khách không chỉ được thưởng thức các món ngon mà còn có thể dạo chợ đầu mối. Tôi nghe nói Pleiku sẽ xây dựng nơi đây thành phố ẩm thực, chắc chắn sẽ là địa điểm hấp dẫn đủ để níu chân du khách. Gia Lai sở hữu khá nhiều món mang tính “độc quyền” như: bún cua, phở 2 tô… Đây là những món ăn mà chỉ thưởng thức tại Gia Lai mới cảm nhận hết được vị ngon của nó”.

Đảm bảo tiến độ

Sau khi nhận được chỉ đạo của UBND TP. Pleiku về việc di dời chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật và phương án hạ tầng kỹ thuật “Phố ẩm thực đêm Pleiku”, UBND phường Diên Hồng ngay lập tức triển khai những giải pháp cần thiết để đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra. Ông Trần Ngọc Thắng-Phó Chủ tịch UBND phường-cho hay: Để triển khai thực hiện công tác di dời, trước đó, UBND phường đã tuyên truyền, vận động để các hộ kinh doanh hiểu rõ chủ trương của thành phố. Đến ngày 21-3, UBND phường ban hành Thông báo số 24/TB-UBND về việc ngừng hoạt động kinh doanh, buôn bán rau, củ, quả trên đường Nguyễn Thiện Thuật.

Theo đó, kể từ ngày 1-4 sẽ ngừng toàn bộ hoạt động kinh doanh, buôn bán thịt, cá, rau, củ, quả, trái cây... tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Văn Thụ, Lê Lai và trong bãi xe số 01 đường Nguyễn Thiện Thuật. Sau thời gian trên, nếu các hộ kinh doanh, buôn bán không chấp hành, UBND phường sẽ tiến hành cưỡng chế. Đồng thời, đề nghị các hộ kinh doanh liên hệ với UBND phường Ia Kring để được hướng dẫn đăng ký lô, thời gian đăng ký bắt đầu từ ngày 25 đến 28-3. Ủy ban nhân dân phường Ia Kring sẽ tổ chức bốc thăm lô kinh doanh vào sáng 30-3 và sáng 31-3 tiến hành giao lô cho các hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, đến ngày 25-3, UBND phường Ia Kring đã có thông báo về việc ngừng tiếp nhận đơn đăng ký lô kinh doanh, buôn bán tại chợ tạm rau, củ, quả đường Nguyễn Văn Linh do số lô đăng ký đã vượt quá số lô hiện có của mặt bằng chợ. Được biết, tính đến ngày 25-3, mới chỉ có 311 hộ tiểu thương tại chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật đăng ký, 23 hộ (chủ yếu là bán trái cây) không đăng ký, còn lại 49 hộ chưa kịp đăng ký. Trong số các hộ đã đăng ký, có hộ đăng ký 1 lô, còn phần lớn là đăng ký 2 lô.

Khẩn trương hoàn thiện mặt bằng chợ tạm để đảm bảo địa điểm kinh doanh cho các tiểu thương chợ đêm Pleiku di dời về. Ảnh: H.D

Khẩn trương hoàn thiện mặt bằng chợ tạm để đảm bảo địa điểm kinh doanh cho các tiểu thương chợ đêm Pleiku di dời về. Ảnh: H.D

“Đối với 49 hộ chưa kịp đăng ký, UBND phường Diên Hồng đã cung cấp danh sách và phối hợp với UBND phường Ia Kring để rà soát số hộ trước nay không kinh doanh tại chợ rau, củ, quả đường Nguyễn Thiện Thuật và các hộ đăng ký mới nhằm thống nhất phương án ưu tiên bố trí đầy đủ lô sạp cho các hộ phải di dời ổn định kinh doanh tại nơi mới, đảm bảo quyền và lợi ích của các hộ”-ông Thắng thông tin.

Ông Nguyễn Đức Toàn-Đại diện Ban Quản lý chợ tạm rau, củ, quả phường Ia Kring-cho biết: “Chợ tạm rau, củ, quả phường Ia Kring có diện tích khoảng 1,5 ha. Khu vực này giao thông thuận lợi cho hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa. Đến nay, công tác chuẩn bị các điều kiện về mặt bằng đạt khoảng 80% kế hoạch. Để đảm bảo đúng tiến độ đưa chợ tạm rau, củ, quả phường Ia Kring đi vào hoạt động từ ngày 1-4-2024, UBND phường Ia Kring đang gấp rút hoàn thiện mặt bằng. Đến ngày 25-3 đã có khoảng 500 hộ đăng ký kinh doanh với 800 lô. Trong số các hộ đã đăng ký tại chợ tạm có nhiều hộ trước đó không kinh doanh, buôn bán tại chợ đêm. Chi phí thuê lô sạp, điện nước, thuế là 410 ngàn đồng/lô/tháng”.

Các tiểu thương buôn bán rau, củ tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Diên Hồng). Ảnh: H.D

Các tiểu thương buôn bán rau, củ tại khu vực đường Nguyễn Thiện Thuật (phường Diên Hồng). Ảnh: H.D

Cần hài hòa lợi ích

Có thâm niên hơn 25 năm kinh doanh, buôn bán tại chợ đêm, bà Phạm Thị Sáng (tổ 14, phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) không khỏi cảm giác quyến luyến khi sắp phải rời nơi đã đem lại chén cơm, manh áo cho cả gia đình mình. Bà Sáng bắt đầu buôn bán tại chợ đêm khi mới 22 tuổi. Ban đầu, bà bán ở khu vực trước Khách sạn Tre Xanh Plaza hiện nay, sau đó mới chuyển vào trong bến xe. Lúc mới gia nhập chợ đêm, bà cũng chỉ bán vài bì khoai lang, khoai mì. Sau đó, lượng hàng bán mỗi đêm tăng lên vài tạ, rồi giờ là vài tấn với đủ mọi mặt hàng. Lúc mới thành lập chợ đêm, nơi đây chưa có điện, ánh sáng chỉ là những vệt leo lét từ những chiếc đèn pin. Sau đó, các tiểu thương xin kéo nhờ điện từ nhà người dân xung quanh.

“Từ khi chỉ có mười mấy, hai chục người buôn bán, dần dần tập trung hàng trăm người, tạo thành một cộng đồng nhỏ đồng hành với nhau hàng đêm. Điều thuận lợi là chợ đêm nằm ở khu vực trung tâm thành phố, rất tiện cho cả người mua lẫn người bán hàng. Vì vậy, khi có thông báo chuyển đi, ai cũng lo lắng. Địa điểm mới hơi xa trung tâm, hơi vắng nên chúng tôi sợ sẽ không còn nhiều khách như trước. Nếu có thì chắc chủ yếu là các bạn hàng mua sỉ, chứ khách mua lẻ có lẽ sẽ không bỏ công chạy xa như vậy để mua hàng. Chưa kể, cả gia đình tôi buôn bán ở chợ đêm với 6 lô, trong khi lên chợ tạm chỉ có thể đăng ký được 2 lô. Quy mô kinh doanh của bản thân bị thu hẹp cũng ảnh hưởng đến các nhà vườn nơi tôi lấy hàng thường xuyên”-bà Sáng chia sẻ.

Một góc chợ đêm. Ảnh: Hà Duy

Một góc chợ đêm. Ảnh: Hà Duy

Còn bà Nguyễn Thị Thu Hà (trọ tại số 08/06 Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng) không giấu được nỗi lo: “Tôi chỉ có cửa hàng nhỏ xíu bán nước, cà phê để phục vụ những người buôn bán ở chợ đêm. Giờ chợ chuyển đi, tôi cảm thấy chới với, không biết phải làm gì vì nơi này tạm thời ngừng hẳn mọi việc kinh doanh. Chuyển theo thì tôi không có khả năng thuê lô. Bởi bán ở đây mỗi đêm tôi chỉ kiếm được hơn trăm ngàn đồng để trả tiền nhà trọ, tiền ăn uống hàng ngày đã chật vật thì tiền đâu mà thuê lô sạp. Không biết những tháng tới đây, cuộc sống sẽ như thế nào”.

Cùng chung nỗi lo, anh Nguyễn Hoàng Khôi mong mỏi: “Chúng tôi rất ủng hộ chủ trương của thành phố trong việc di dời chợ đêm, xây dựng phố ẩm thực vì một Pleiku phát triển hơn. Tuy nhiên, khách của chúng tôi phần lớn là người dân, du khách chứ không phải chỉ phục vụ cho những người buôn bán trong chợ đêm nên cũng không thể chuyển theo lên chợ tạm. Là những người bán bữa nay lo bữa mai, nếu dừng buôn bán quá lâu để đợi tới khi phố ẩm thực đi vào hoạt động, cuộc sống gia đình chúng tôi sẽ lâm vào khốn khó. Nhưng nếu tách lẻ ra, mạnh ai người nấy kiếm chỗ buôn bán thì cũng rất khó, khó về mặt bằng vì không phải nơi nào cũng có thể kinh doanh được và khó vì sẽ không còn lượng khách hàng quen. Vì vậy, chúng tôi mong chính quyền địa phương có thể bố trí một địa điểm nào đó phù hợp để những người chuyên kinh doanh ẩm thực có chỗ buôn bán”.

Có thể bạn quan tâm