Xã hội

Lao động - Việc làm

Đi làm việc ở nước ngoài: Giải pháp giảm nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm qua, các ngành, địa phương tại Gia Lai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là một trong những kênh giải quyết việc làm quan trọng và là giải pháp giảm nghèo bền vững.

Ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Thời gian qua, Sở đã tham mưu giúp UBND tỉnh đẩy mạnh các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ qua nhiều kênh để giải quyết việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, Sở phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu UBND tỉnh trong việc kết nối với các thị trường có nhu cầu lao động cao như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả Rập Xê Út, Lào, Campuchia và một số nước Trung Đông. Đồng thời, Sở cấp giấy chứng nhận cho các đơn vị, doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động để đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tuyển dụng lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Doanh nghiệp giới thiệu thị trường xuất khẩu lao động cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Ảnh: Đ.Y

Doanh nghiệp giới thiệu thị trường xuất khẩu lao động cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ. Ảnh: Đ.Y

Nói về tầm quan trọng của việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, ông Nguyễn Văn Đức-Giám đốc Công ty Xuất khẩu lao động MD Việt Nam-cho hay: Đây là kênh giải quyết việc làm quan trọng bởi một số thị trường lao động ở nước ngoài chi phí đi thấp hoặc miễn phí chi phí đi như Nhật Bản, Ả Rập Xê Út. Việc xuất khẩu lao động rất phù hợp với lao động qua đào tạo, lao động nữ, người dân tộc thiểu số (DTTS). Mặt khác, NLĐ sau khi làm việc ở nước ngoài hết thời hạn hợp đồng về nước có sự thay đổi nhận thức, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp nên dễ dàng tìm được công việc mới tại địa phương hoặc tự khởi nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, Công ty đã đưa 20 người đi du học và làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng. Chi phí đi làm việc khoảng 70-100 triệu đồng/người, còn du học là 140-170 triệu đồng/người (bao gồm đóng 6 tháng học phí và 6 tháng tiền nhà).

“Mức lương bình quân lao động tại Nhật Bản khoảng 28-32 triệu đồng/tháng. Sau 3 năm làm việc, NLĐ có thể tích lũy hơn 500 triệu đồng. Trước đây, lao động làm việc tại Nhật Bản hợp đồng thời hạn 3 năm. Tuy nhiên, hiện nay, với những lao động có kỹ năng, tay nghề cao thì có thể được gia hạn visa (thị thực) đến 5 năm. Người lao động không vi phạm các quy định sẽ được cấp visa vĩnh trú (làm việc lâu dài ở nước này-P.V)”-ông Đức thông tin.

Từ năm 2016 đến nay, chính sách đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã giúp cho hơn 400 hộ nghèo và hộ người DTTS huyện Chư Pưh có thu nhập ổn định. Chị Siu HLan (làng Kênh Hmek, xã Ia Le) chia sẻ: Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Gia đình có 8 người nhưng chỉ có 3 sào đất nông nghiệp, nhà ở tạm bợ. Năm 2019, sau khi được Công ty cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế VINACO tạo điều kiện, chị HLan đi làm việc ở Ả Rập Xê Út.

Với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng, chị có tiền gửi về lo cho 2 con ăn học, nuôi mẹ già và các em. Năm 2021, khi hết hạn hợp đồng, chị HLan về nước hoàn thiện thủ tục rồi trở lại làm việc ở Ả Rập Xê Út. Qua 2 lần đi lao động ở nước ngoài, chị tích góp tiền gửi về xây được căn nhà gần 300 triệu đồng vào năm 2022.

Gia đình chị Siu H'Lan (làng Kênh Hmek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) nhờ đi làm việc ở Ả Rập Xê Út về xây được nhà ở gần 300 triệu đồng. Ảnh: Đinh Yến

Gia đình chị Siu H'Lan (làng Kênh Hmek, xã Ia Le, huyện Chư Pưh) nhờ đi làm việc ở Ả Rập Xê Út về xây được nhà ở gần 300 triệu đồng. Ảnh: Đinh Yến

Ông Nguyễn Công Chung-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Chư Pưh-cho biết: “Huyện thường xuyên phối hợp với Công ty cổ phần Hợp tác nhân lực quốc tế VINACO đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn NLĐ đăng ký đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Ngoài ra, huyện cũng tăng cường rà soát các quy định của pháp luật về quản lý công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đến năm 2025, huyện phấn đấu mỗi năm đưa trên 70 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Những kết quả đạt được trong công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững ở các địa phương. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh giảm còn 38.550 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, chiếm 10,06% tổng số hộ dân toàn tỉnh; trong đó có 34.387 hộ nghèo người DTTS, chiếm 21,26% tổng số hộ DTTS.

Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, quyền, nghĩa vụ khi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước, chú trọng ưu tiên đưa lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh chính trị, kinh tế-xã hội ổn định; thúc đẩy công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.

Có thể bạn quan tâm