Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Di sản văn hóa - Không thể so sánh hơn thua

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, dư luận một lần nữa lại bất ngờ bởi kế hoạch thực hiện một vòng đại xòe với 5.000 người tham dự, nhằm lập nên kỷ lục Guinness thế giới về số lượng người tham gia vòng xòe lớn nhất.

 Năm 2013, múa xòe cũng đã lập kỷ lục Việt Nam với 3.000 người tham dự
Năm 2013, múa xòe cũng đã lập kỷ lục Việt Nam với 3.000 người tham dự


Không chỉ với kỷ lục Guinness mà còn có một thực tế là nhiều địa phương đang “chạy” để di sản văn của mình được công nhận cấp quốc gia và quốc tế.

Đua theo kỷ lục

PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chia sẻ quan điểm, xã hội không nên chạy theo những kỷ lục hoàn toàn không có ý nghĩa về chất này, không khuyến khích di sản phi vật thể phát triển bền vững. Theo PGS-TS Nguyễn Văn Huy, xòe phải tồn tại trong cộng đồng làng bản, thôn xóm; trong các sinh hoạt tinh thần vui tươi của người dân địa phương, phù hợp với phong tục tập quán địa phương… Những kỷ lục đông người cùng xòe không có ý nghĩa gì với việc bảo tồn di sản này. “Chúng ta đã có rất nhiều bài học như 3.000 người hát quan họ, bánh chưng khổng lồ dâng vua Hùng… rồi, vì vậy, có nên chạy theo những kỷ lục không có ý nghĩa?”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy đặt vấn đề.

Trong khi các tổ chức, cá nhân phải chi trả quá nhiều tiền để lập hồ sơ công nhận di sản, công nhận kỷ lục thì họ lại bỏ qua việc bồi đắp tri thức, những hiểu biết về công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa cho cán bộ và nhân dân. Nhận thức sai thì dẫn đến hành động sai, đó là nguyên nhân khiến chính những người đi bảo vệ di sản văn hóa lại làm hư hại di sản văn hóa. Một trong những ví dụ cho sai lầm trong việc tôn vinh và lan tỏa di sản nhãn tiền trước đó là sự kiện tập hợp 3.000 người hát quan họ Bắc Ninh để lấy kỷ lục. Đó không phải là bảo tồn mà là phá hỏng di sản quan họ Bắc Ninh. Theo nhiều chuyên gia, muốn bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa cần phải có những tri thức cả trong dân gian lẫn tri thức khoa học.

Cũng liên quan tới vòng đại xòe “siêu khổng lồ” này, Thứ trưởng Bộ VHTT-DL Trịnh Thị Thủy đã có văn bản bày tỏ quan điểm cần thận trọng trong việc xác lập kỷ lục với các di sản. Văn bản nói rõ: “Việc tổ chức để xác lập kỷ lục đối với các thành tố của di sản nói riêng và của di sản nói chung cần hết sức cẩn trọng vì có thể vi phạm các khuyến cáo của UNESCO”. Nhắc nhở này không chỉ dành riêng đối với sự kiện vòng xòe đặc biệt này mà còn dẫn lại một số nguyên tắc mà UNESCO đã khuyến cáo đối với các quốc gia có đệ trình hồ sơ đề nghị ghi danh.

Chạy đua di sản

Trăn trở về “phong trào” trình hồ sơ xin công nhận di sản, GS Ngô Đức Thịnh đã từng thẳng thắn nhận định: “Tôi nghĩ đây là một hội chứng, đi liền với thói háo danh. UNESCO không quy định về số lượng di sản văn hóa mà các quốc gia làm hồ sơ xin công nhận, nên ai cũng muốn được tôn vinh. Làng nào, địa phương nào cũng muốn di sản văn hóa của mình được công nhận, vì đó được xem là một vinh dự lớn. Trên góc độ nào đó thì việc này là chính đáng, nhưng ào ạt công nhận các di sản văn hóa mà không đánh giá nghiêm túc sẽ là sai lầm. Tình trạng đó có thể tạo ra động lực để địa phương nâng cao ý thức bảo tồn di sản, nhưng cũng dễ gây ra sự đố kỵ lẫn nhau”.

Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh, cần thận trọng trong các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản bởi có thể vô tình gây nên sự ganh đua giữa các cộng đồng hoặc giữa các quốc gia… Lưu ý giới thiệu di sản trong bối cảnh của chúng, chú trọng vào giá trị và ý nghĩa của chúng đối với cộng đồng có liên quan hơn là chỉ tập trung vào sức hấp dẫn về thẩm mỹ, hoặc giá trị giải trí của di sản. Đặc biệt, nếu tổ chức nó chỉ là một thứ giải trí, không làm cho di sản trở nên có ý nghĩa hơn. Thêm nữa, trong lĩnh vực văn hóa thì không được cố chứng tỏ là nhất hay nhì, không thể so sánh hơn thua.

Chia sẻ về việc làm hồ sơ xét công nhận di sản, nhiều chuyên gia cũng cho rằng đây là việc góp phần nhận diện di sản. Tuy nhiên, việc này cần tiến hành đồng thời với các giải pháp khác như bảo vệ, gìn giữ, phát huy chứ không chỉ làm hồ sơ rồi để bẵng đó. Không thể biến văn hóa thành cuộc chơi mang tính chạy đua kiểu thể thao như vậy. Giá trị của văn hóa nằm ở những giá trị tinh thần sâu xa đáng trân trọng chứ không phải ở những kỷ lục được đo bằng những con số, xa rời với truyền thống.

MAI AN (sggp)

Có thể bạn quan tâm