Du lịch

Di sản văn hóa thế giới thành nhà Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với phố cổ Hội An, khu di tích Chăm Mỹ Sơn và quần thể di tích cố đô Huế, thành nhà Hồ là một trong những di sản văn hóa thế giới ở Việt Nam, nổi bật với kiến trúc thành lũy bằng đá độc đáo bằng đá duy nhất còn lại ở Đông Nam Á.

Thành nhà Hồ trước đây là kinh đô của nước Đại Ngu, hiệu là Việt Nam thời nhà Hồ nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, gần quốc lộ 45, cách Hà Nội khoảng 150 km. Dù đã được xây dựng hơn 6 thế kỷ nhưng với những phần còn lại của tòa thành, khiến nhiều du khách đến đây không khỏi ngạc nhiên trước tài nghệ xây dựng vật liệu bằng đá khối của người Việt xưa: Tường thành đồ sộ với những phiến đá nặng trên 2 tấn được hoàn thành trong thời gian vẻn vẹn 3 tháng.

 

Cổng Đông thành nhà Hồ.
Cổng Đông thành nhà Hồ.

Thành nhà Hồ tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền Núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Phía Tây có núi Ngưu Ngọa, phía Đông có núi Hắc Khuyển, phía Nam là sông Mã chảy về và sông Bưởi chảy tới.

Để khám phá tổng thể khu di tích thành nhà Hồ, bạn nên chủ động phương tiện đi lại là xe máy hoặc ôtô đến các điểm tham quan xung quanh thành. Với 20.000 đồng mỗi người cho 2 điểm thu phí, bạn có thể chọn cho mình lộ trình tham quan lịch sử - tâm linh hoặc lịch sử - thắng cảnh khi đến với khu di tích thành nhà Hồ tùy thuộc vào thời gian và sở thích. Bạn cũng nên thuê người thuyết minh với giá 200.000 đồng một tour để có thông tin đầy đủ cũng như làm chuyến đi thêm thú vị với những giai thoại ly kỳ và hấp dẫn.

 

Cổng Nam thành nhà Hồ.
Cổng Nam thành nhà Hồ.

Điểm dừng chân đầu tiên không thể bỏ qua khi đến với khu di tích thành nhà Hồ là đàn tế Nam Giao, nằm ở phía Nam, cách trung tâm thành 200 mét. Đây được mệnh danh là đàn tế cổ nhất còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc nền móng ở khu vực trung tâm trong lịch sử các đàn tế ở Việt Nam.

Rời Đàn Nam Giao xuôi theo quốc lộ 45 khoảng 1 km là ngôi chùa tọa lạc dưới dãy núi Xuân Đài mang tên Du Anh. Bạn sẽ ấn tượng với các lớp đá dày, khá vuông vức chồng xếp lên nhau tầng tầng lớp lớp. Đây cũng chính là một trong các công trường trước kia được nhà Hồ khai thác đá để xây dựng kinh đô.

 

Đền thờ nàng Bình Khương.
Đền thờ nàng Bình Khương.

Theo đường dạo về phía Đông thành nhà Hồ khoảng 600 mét là đền thờ nàng Bình Khương, người vợ hiền dám đập đầu kêu oan cho vị đốc công xây thành Trần Cống Sỹ. Cũng từ đây, du khách men theo đường làng Đông Môn khoảng vài chục mét để tới thăm một ngôi đình làng cổ có kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ 18: đình Đông Môn.

Từ cổng phía Đông, bạn có thể tiếp tục lộ trình đi về phía cổng Tây khoảng hơn 800 mét để tham quan ngôi nhà cổ có niên đại hơn 200 tuổi được công nhận là một trong các ngôi nhà cổ dân gian đẹp nhất Việt Nam.

Trong quần thể kiến trúc thành nhà Hồ còn rất nhiều điểm đến thú vị khác như hồ Mỹ Đàm, hang Nàng, núi An Tôn ở phía Tây Bắc hay chùa Giáng, đền thờ Trần Khát Chân phía Đông Nam. Để trọn một vòng khám phá di sản văn hóa thế giới, bạn sẽ phải dành ra ít nhất 2 ngày. Nên nghỉ đêm ở thành phố Thanh Hóa bởi các nhà nghỉ gần Khu di tích hiện còn khá thưa thớt, trong khi nơi đây chỉ cách trung tâm thành phố chừng 45 km.

Theo Vnexpress

Có thể bạn quan tâm