Điểm đến Gia Lai

Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me: "Gạch nối" huyền thoại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 56 năm (19/11/1965-19/11/2021), chiến thắng Plei Me vẫn được nhắc nhớ bằng tất cả niềm tự hào về một trận đánh đã đi vào lịch sử đất nước. Bia di tích lịch sử đặt tại xã Ia Ga (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) lừng lững như một “gạch nối” huyền thoại giữa quá khứ và tương lai. Nỗ lực tôn tạo, quy hoạch chính là cách tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, giáo dục truyền thống, đồng thời tạo điểm nhấn cho loại hình du lịch về nguồn.

Trận đánh Plei Me được đánh giá là chiến thắng vĩ đại của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đầu tháng 10-1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định mở chiến dịch tấn công trên phạm vi tứ giác Plei Me-Bàu Cạn-Đức Cơ-Ia Drăng và lấy tên là “Chiến dịch Plei Me”. Đêm 19-10-1965, chiến dịch mở màn. Sau 1 tháng chiến đấu với sự hỗ trợ của lực lượng địa phương, dân quân du kích, bộ đội chủ lực ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.700 tên Mỹ, 1.270 tên ngụy; tiêu diệt Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 (Sư đoàn kỵ binh Không vận số 1); bắn rơi 59 máy bay lên thẳng, phá hủy 89 xe quân sự và nhiều pháo, súng các loại… Ngay trong trận đầu đánh Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, ta đã giành chiến thắng áp đảo, tiêu diệt 1 tiểu đoàn được trang bị hiện đại bậc nhất, tạo đà cho các chiến dịch tiếp theo để đi đến đại thắng mùa Xuân năm 1975. Ghi nhận giá trị lịch sử to lớn ấy, năm 2009, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia cho địa điểm Chiến thắng Plei Me.

 Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me cần được đầu tư, tôn tạo xứng tầm để vừa tri ân, vừa kết nối và phát triển du lịch trong tương lai. Ảnh: Lam Nguyên
Di tích lịch sử Chiến thắng Plei Me cần được đầu tư, tôn tạo xứng tầm để vừa tri ân, vừa kết nối và phát triển du lịch trong tương lai. Ảnh: Lam Nguyên


Nói về ý nghĩa to lớn của chiến thắng này, ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho rằng: Đây là minh chứng cho sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng, sự phối hợp nhịp nhàng của bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương cũng như tinh thần đoàn kết, đùm bọc của đồng bào các dân tộc, nêu cao khí chất anh dũng, kiên cường trong kháng chiến chống Mỹ.

Với tầm quan trọng đặc biệt ấy, việc xây dựng một khu di tích tương xứng với quy mô chiến thắng đã đi vào lịch sử là điều được các ngành, các cấp quan tâm song đến nay vẫn gặp phải một số vướng mắc. Ông Nguyễn Xuân Thường-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Chư Prông-cho biết: Địa điểm Chiến thắng Plei Me là khu vực rộng khoảng 11,5 ha, hiện đã được cắm mốc song chưa có quy hoạch cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng người dân địa phương xâm canh. Dù vậy, bà con cam kết sẽ trả đất nếu Nhà nước thu hồi để xây dựng khu di tích. Gần đây, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ về khảo sát với ý định nâng tầm địa điểm Chiến thắng Plei Me thành di tích quốc gia đặc biệt. Trong khi chờ đợi những “quyết sách” mới, hàng năm, huyện chỉ được cấp kinh phí khoảng 70 triệu đồng để tôn tạo di tích như: thuê người trông coi, sơn sửa bia, xây dựng pa nô, trồng cây xanh, chưng hoa vào dịp lễ, Tết…

Theo ông Thường, Di tích Chiến thắng Plei Me đã được huyện đưa vào quy hoạch phát triển du lịch tầm nhìn đến năm 2030. Một tuyến du lịch văn hóa-lịch sử đã được hình thành với các điểm đến nổi tiếng: xã Bàu Cạn-làng Bak 1-cứ điểm 771-Di tích Chiến thắng Plei Me-thung lũng Ia Drăng. Tuy nhiên, đến nay, lượng khách “về nguồn” chủ yếu vẫn là tự phát hoặc chỉ một vài tổ chức, đơn vị có nhu cầu.

Di tích Chiến thắng Plei Me là nơi tìm về của nhiều cựu chiến binh. Ảnh: Lam Nguyên
Di tích Chiến thắng Plei Me là nơi tìm về của nhiều cựu chiến binh. Ảnh: Lam Nguyên


Trao đổi với P.V, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-thông tin: Tỉnh đã đưa Di tích Chiến thắng Plei Me vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để quy hoạch chi tiết với kinh phí 500 triệu đồng. Nói về lý do đến nay vẫn chưa có sự đầu tư tương xứng dành cho di tích này, ông Nhung cho hay: Vì đây là di tích cấp quốc gia nên mọi kế hoạch đều phải có ý kiến của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Theo tính toán sơ bộ, kinh phí đầu tư, tôn tạo vào khoảng 70 tỷ đồng, trong khi nguồn lực của tỉnh có hạn. Nói về cơ hội kết nối Plei Me trong kế hoạch phát triển du lịch chung của địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch nêu quan điểm: “Phải tôn tạo và có các dịch vụ đi kèm rồi mới nói đến chuyện phát triển du lịch. Tới đây, Sở tiếp tục đề xuất về vấn đề này. Hiện Chư Prông có nhiều tiềm năng với các di tích lịch sử nổi tiếng, cảnh quan thu hút với hệ thống thác nước, đồi chè, lễ hội hoa muồng vàng và giờ còn có điện gió. Cho dù chưa đầu tư cho Di tích Chiến thắng Plei Me, du lịch Chư Prông vẫn sẽ phát triển, nhưng nếu có sự đầu tư xứng tầm, đồng bộ thì càng tốt hơn”.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ cuộc gặp gỡ lịch sử trong lần về thăm chiến trường xưa vào tháng 10-1993 giữa Trung tướng Harold G.Moore-nguyên Trung tá chỉ huy Tiểu đoàn l, Sư đoàn kỵ binh Không vận số 1 của Mỹ và Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Hữu An-người trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Plei Me. Rõ ràng đây vẫn là nơi các cựu chiến binh và thế hệ con cháu của họ mong muốn tìm về để cùng hồi tưởng quá khứ, hòa giải và bắt tay nhau hướng tới tương lai. Vì vậy, đầu tư, tôn tạo di tích là điều hết sức cần thiết.

 

 LAM NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm