Điểm đến Gia Lai

Đi tìm huyền thoại tkơi But Jai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khát vọng chinh phục đỉnh Kon Chư Răng cứ lớn dần trong tôi mặc dù tuổi tác đã qua thời sung mãn. Nhưng để thử thách ý chí, tôi quyết định cùng nhóm anh em hưu trí ở TP. Pleiku làm cuộc hành trình mạo hiểm đi tìm “nàng công chúa” trong giấc mơ của mình-thác Hang Én, được người Bahnar bản địa gọi bằng cái tên tkơi But Jai (thác But Jai).
Từ trung tâm thị trấn Kbang (huyện Kbang), chúng tôi được anh Trịnh Viết Ty-Giám đốc Khu Bảo tồn Thiên nhiên (BTTN) Kon Chư Răng trực tiếp hướng dẫn cho chuyến thâm nhập địa giới mà anh đang quản lý. Sau bữa cơm trưa vội vàng ở huyện, chúng tôi hướng về phía Bắc theo đường Trường Sơn Đông, qua xã Sơn Lang để đến trụ sở Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng, cách trung tâm huyện lỵ hơn 60 km và nghỉ đêm tại đây. Khu vực này nằm cách trục lộ Trường Sơn Đông khoảng 2 km, trong một thung lũng chừng vài héc ta được quy hoạch khá bài bản, có hồ cá, khu làm việc, nhà trưng bày, khu sinh hoạt và đang tiếp tục xây dựng khu làm việc của Hạt Kiểm lâm, nhà chức năng giáo dục môi trường-BTTN… Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng Trịnh Viết Ty là người có thời gian gắn bó lâu năm với những cánh rừng Gia Lai và được điều động về quản lý khu bảo tồn này đã 14 năm. Anh cho biết, ngoài chức năng quản lý, bảo vệ gần 15.500 ha rừng tự nhiên, đơn vị còn tham gia nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học rừng và kết hợp với địa phương triển khai, phát triển các dự án du lịch sinh thái. Theo đánh giá của ngành chức năng, độ che phủ của rừng tự nhiên khu vực bảo tồn trong những năm gần đây tăng khá mạnh. Trong năm 2018, toàn khu vực có 3 loại rừng với 71% rừng giàu, trên 23% rừng trung bình, còn lại là rừng non và rừng đang phục hồi. Như vậy, hiện trạng rừng đầu nguồn sông Kôn nơi đây đã được bảo vệ khá tốt, tỷ lệ rừng nghèo kiệt mỗi năm được thu hẹp dần…
 Thác Hang Én (thác 50) ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang. Ảnh: B.Q.V
Thác Hang Én (thác 50) ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang. Ảnh: B.Q.V
*
*      *
Sáng hôm sau, chúng tôi được đánh thức sớm để chuẩn bị lên đường chinh phục đỉnh cao ở thác Hang Én (còn gọi là thác 50). Giám đốc Khu BTTN Kon Chư Răng cho biết, hành trình đến ngọn thác đẹp bậc nhất Tây Nguyên này khá gian nan, cần sự kiên trì để về đích như dự định. “Khâu hậu cần có Ban Quản lý lo, các anh chỉ mang theo đồ dùng cá nhân cần thiết và rèn đôi chân cho khỏe để đi đến nơi về đến chốn là được”-anh Ty nửa đùa nửa thật. Lót bụng buổi sáng xong là hơn 7 giờ, mặt trời ló dạng trên cánh rừng già phía trước. Chiếc máy cày làm đầu kéo, phía sau là rơ-moóc đang đợi ở sân. Đó là phương tiện sẽ đưa chúng tôi cùng với 6 anh em thuộc Khu Bảo tồn vượt cung đường 15 km từ trụ sở Ban Quản lý đến Trại Bò (tên gọi của đơn vị bộ đội làm kinh tế trước đây). Đoạn đường vào Trại Bò băng qua rừng già, tuy được mở rộng khoảng hơn 3 m nhưng vẫn còn là đường đất; sau một mùa mưa nhiều đoạn sạt lở, cây cối hai bên đường mọc ra tua tủa, nhiều cây lớn ngã ra chặn ngay lối đi. Không lo bởi trên xe máy cày bao giờ cũng chuẩn bị sẵn cưa máy để cưa cây đổ. Đoạn đường đồi dốc và nhiều vật cản nên con “trâu sắt” ì ạch gần 3 tiếng đồng hồ mới đến được Trại Bò. Đến đây, có một số anh chị em người địa phương đã đi xe máy lên trước chờ sẵn để đưa đoàn vào thác 50.
Từ vị trí này có 2 ngả để đến thác, một là con đường mòn men theo suối ngược lên đến chân thác; hai là leo núi vượt lên đỉnh thác. Lượt đi, đoàn chọn con đường ven suối. Tuy không phải leo núi cao dốc đứng nhưng phải vượt qua nhiều con suối trơn trượt bởi nhiều tảng đá đóng rêu lấp đầy lòng suối. Mùa này, nước không sâu và không chảy xiết nên mức độ nguy hiểm giảm bớt. Sau gần 3 giờ băng rừng lội suối, chúng tôi mới tiếp cận được chân thác 50. Không ai nói với ai, nhưng mọi người đều reo lên: “Tuyệt đẹp!”. Toàn bộ khung cảnh “tòa thiên nhiên” hùng vĩ, kiêu sa của dòng thác bạc đang được thu vào tầm mắt. Tôi đã từng chiêm ngưỡng nhiều dòng thác ở Tây Nguyên nhưng chưa có tầng thác nào cao và kiêu hãnh đến thế, kể cả thác Ia Ly trên dòng Sê San ngày trước khi chưa có công trình thủy điện. Ngắm khung cảnh hoành tráng của thác, chúng tôi ai cũng quên đi sự mệt nhọc trên cung đường đầy gian nan. Dòng thác rơi thẳng đứng từ độ cao 54 m, hình thành từ 2 con suối lớn: suối Đak Say chảy theo hướng Tây Bắc về Đông Nam; suối Đak Xốp từ hướng Đông Bắc về Tây Nam rồi nhập làm một để cùng tạo ra một tuyệt tác. Phía dưới chân thác là một vực sâu rộng chừng 200 m2 nước tung bọt trắng xóa, bên dưới là hàng chục khối đá lớn nằm dọc ngang trên lòng suối, đủ hình thù, cao thấp khác nhau. Trên vực thác có một hàm ếch sâu có thể chứa hàng trăm người, quanh năm lạnh lẽo thích hợp cho loài dơi và các loại côn trùng thích nghi với môi trường ẩm ướt.
Đang là những ngày tháng 3 Tây Nguyên. Trên đỉnh thác, hàng đàn chim én bay lượn, kêu lảnh lót hòa cùng âm thanh vang vọng của thác đổ tạo nên sự kỳ vĩ của đại ngàn. Vào “mùa con ong đi lấy mật”, muôn sắc hoa rừng đang thắm đượm, cây cỏ xanh tươi, “nàng công chúa” tkơi But Jai cũng được dịp khoe hết vẻ đẹp nguyên sơ của mình, tạo nên dáng sơn nữ đầy kiêu sa nhưng mộc mạc, lãng mạn, mang sắc màu sơn thủy hữu tình. Truyền thuyết về thác Hang Én do già làng Đinh Ruônh ở làng Hlâm (xã Sơn Lang, huyện Kbang) kể, được anh Trịnh Viết Ty ghi lại năm 2010 đã dẫn dắt chúng tôi đến với huyền thoại về một dòng thác nguyên sơ trong ký ức của đồng bào địa phương.
Chuyện kể rằng, ngày xưa, vùng Kon Chư  Răng có nhiều tkơi trên các con suối Đak Say và Đak Xốp, như: But Jai (thác Hang Én), Sriêng (thác Bom Đạn), Moi (thác Tổ Ong). Mỗi thác nước trong vùng có một vị thần cai trị và sở hữu một quyền lực nhất định. Trong đó có Yàng tkơi But Jai là vị thần dũng mãnh nhất vùng, hiền lành và tốt bụng. Bấy giờ, có một cộng đồng người Bahnar bản địa ngụ cư trong hang lớn. Yàng tkơi But Jai nhờ có nhiều phép thuật và bửu bối như đũa thần, đá mài nên đã giúp dân làng có cơm ăn, áo mặc, tạo ra lúa gạo, trâu bò, heo gà, vải vóc… khiến cho ai nấy đều cảm phục, biết ơn. Thấy vậy, Yàng tkơi Moi gần đó đâm ra ghen tị và muốn chiếm hữu những bửu bối của Yàng tkơi But Jai nên dùng phép thuật đánh nhau khốc liệt, kéo dài hết năm này đến năm khác, khó phân thắng bại. Cả vùng ngày nào cũng có sấm chớp đì đùng, gió mưa bão bùng mù mịt núi rừng, đất trời rung chuyển. Cuộc chiến long trời lở đất khiến con người và muôn loài nơi đây phải tìm nơi khác trú ngụ. Một hôm, Yàng tkơi Moi dùng bửu bối đánh lén Yàng tkơi But Jai đang trong lúc nghỉ ngơi giữa 2 cuộc chiến. Vì không đề phòng, Yàng tkơi But Jai bị phép thuật của đối phương đánh trúng, thân hình gãy đôi, vỡ ra từng mảng văng tứ tung. Thấy bạn bị đánh lén, Yàng tkơi Sriêng dùng ná thần bắn Yàng tkơi Moi. Trúng tên, Yàng tkơi Moi bỏ chạy, để lại một chiến trường ngổn ngang. Ngày nay, người ta nhìn thấy hiện trạng của thác Hang Én còn lại là sự đứt gãy gấp khúc tạo thành dòng nước bạc tuôn thẳng đứng, phía dưới thác có lòng hồ rộng và những khối đá to như có ai sắp đặt và cái hang sâu đầy bí hiểm… Tất cả hòa quyện với khung cảnh núi rừng tạo nên bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ làm say đắm muôn người.
Được biết, trong Khu BTTN Kon Chư Răng, ngoài thác 50, người ta còn phát hiện trên 10 thác tự nhiên tuyệt đẹp khác như thác 40, thác Tóc Tiên, thác Ba Tầng, thác Năm Tầng, thác Trại Dầm… có thể khai thác phục vụ du lịch. Hiện nay, nhiều đoàn du khách có nguyện vọng được chinh phục các tầng thác trong vùng Kon Chư Răng nhưng vẫn chưa được đáp ứng (do hạ tầng chưa đảm bảo và nhân lực phục vụ các đoàn khách còn mỏng). Hôm đi cùng chúng tôi, Giám đốc Khu Bảo tồn đã phải từ chối 4-5 cuộc điện thoại của du khách xin được vào tham quan. Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, đơn vị sẽ cùng với địa phương cố gắng hoàn thành con đường dẫn vào thác Hang Én để kịp thời phục vụ du khách đến thưởng ngoạn.
*
*      *
Chiều buông. Mặt trời khuất dần sau đỉnh Kon Chư Răng. Chúng tôi rời chân thác bạc để lên đỉnh Hang Én. Đoạn leo dốc không xa nhưng khá nguy hiểm vì vách núi dường như dựng đứng. Ai đi qua được cửa ải này đều thót tim, thở phào, thầm nghĩ “mình sống rồi !” và không dám quay đầu nhìn lại phía vực sâu. Hôm ấy, chúng tôi có một đêm trắng với rừng… Sau bữa cơm chiều đạm bạc, ngon miệng với cá suối, rau rừng và ốc đá mà các chàng trai của Ban Quản lý Khu BTTN Kon Chư Răng bắt được trên suối Đak Say, chúng tôi cùng nhau nhóm lửa sưởi ấm, xua tan cái lạnh thấu xương nơi rừng già, thác bạc.
 BÙI QUANG VINH

Có thể bạn quan tâm