Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Di vật Champa Gia Lai “lưu trú” tại TP. Hồ Chí Minh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thung lũng Ayun Pa và vùng lân cận là nơi phát hiện nhiều nhất di vật thuộc văn hóa Champa trên địa bàn tỉnh Gia Lai đến thời điểm hiện tại. Các di vật này được lưu giữ ở nhiều nơi trong nước và trên thế giới, trong đó tại TP. Hồ Chí Minh có 2 di vật là tượng voi và tượng thần Shiva.

Qua khảo sát, Bảo tàng tỉnh cho rằng 2 di vật này có nguồn gốc hoặc là mối liên hệ nhất định với các di tích thuộc văn hóa Champa ở thung lũng Ayun Pa.

Trước hết là tượng voi đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Trong văn hóa Champa, voi là linh vật được thể hiện khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc và chi tiết để trang trí ở các công trình kiến trúc. Tượng voi có niên đại khoảng thế kỷ VII-VIII.

Đây là hiện vật do Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh bàn giao cho Bảo tàng Mỹ thuật thành phố từ những năm cuối thế kỷ XX. Tượng được làm bằng sa thạch, cao 52 cm, dài 55 cm, rộng 23 cm, tạc trong tư thế đứng trên một bệ đá (4 chân đều nhau). Đầu hướng thẳng về trước, mắt mở, miệng ngậm, ngà hướng tới trước, tai vểnh ra 2 bên, vòi đang quấn đồ vật và thả thẳng xuống, đuôi bị gãy. Lưng tạc nổi yên buộc dây chéo ngang bụng, ở cổ và sau đuôi. Trước trán chạm nổi biểu tượng hình thoi-một biểu tượng xuất hiện nhiều trong trang trí kiến trúc Champa, trên nền dệt thổ cẩm của người Chăm và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

Tượng voi bằng sa thạch (niên đại khoảng thế kỷ VII-VIII) đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: X.T

Liên quan đến tượng voi này, chúng tôi tìm thấy bức ảnh do nhà dân tộc học người Pháp Georges Condominas chụp tại ngôi nhà của linh mục Jacques Dournes tại Cheo Reo năm 1967. Qua ảnh có thể thấy rõ, phía trên nhà sàn là tượng người cưỡi voi làm bằng gỗ của dân tộc Jrai, phía dưới là tượng voi đá Champa-bức tượng mà chúng tôi đang đề cập.

Trong một công trình nghiên cứu của nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes đã công bố có tựa đề Pay Jơrai (Xứ Jơrai), ở đó có bức ảnh tượng voi đá với chú thích: “Restes du passé cham, que lar Jơrai tiennent cachés” (tạm dịch: Di vật Chăm được người Jrai lưu giữ bí mật). Như vậy, cùng với di tích Bang Keng và 2 bức phù điêu Phật đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh và những thông tin từ hồ sơ hiện vật đối với bức tượng voi, có thể nhận định bức tượng voi này có thể là một trong những chi tiết trang trí của một kiến trúc Champa ở vùng Đông Nam tỉnh ngày nay. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định ban đầu. Để làm rõ hơn điều này, chúng ta cần những nghiên cứu, đối chứng từ nhiều nguồn tư liệu khác trong thời gian tới.

Tượng Shiva ở di tích Yang Mum, niên đại khoảng thế kỷ XV, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: X.T

Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh cũng đang lưu giữ 1 tượng thần Shiva có nguồn gốc từ di tích Yang Mum (thị xã Ayun Pa ngày nay). Tượng được làm bằng gốm tráng men với tư thế bán thân, cao 41 cm, rộng 31 cm, bị mất khá nhiều chi tiết như đầu, tay…

Các nhà nghiên cứu cho rằng, bức tượng có niên đại khoảng thế kỷ XV, là sản phẩm của dòng gốm Gò Sành-một trong những dòng gốm nổi tiếng của vùng Vijaya (Bình Định ngày nay).

Đây là một trong những bức tượng hiếm được Henri Parmentier phát hiện tại ngôi đền Yang Mum vào những năm 1900. Khi phát hiện, Parmentier cũng ghi chú rằng có nhiều mảnh vỡ khác được phát hiện với pho tượng và đã gửi tất cả về Bảo tàng Hà Nội để phục dựng, rồi sau đó chuyển tượng về Bảo tàng Sài Gòn (theo Trần Kỳ Phương-Nguyễn Tú Anh, 2023, “Thượng Champa dưới triều Vua Virabhadravarman thế kỷ XV: Nhìn từ văn khắc và nghệ thuật”).

Bia ký Drang Lai, niên đại khoảng thế kỷ XV, đang trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Ảnh: X.T

Cùng với các di tích, di vật văn hóa Champa được phát hiện trong thời gian qua, bức tượng voi bằng sa thạch và tượng gốm thần Shiva đang lưu giữ tại các bảo tàng ở TP. Hồ Chí Minh góp phần chứng minh cho sự tồn tại, ảnh hưởng của văn hóa Champa lên vùng Gia Lai ngày nay từ rất sớm.

Theo tổng hợp của chúng tôi, ngoài 2 di vật nói trên, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng đang lưu giữ 2 di vật liên quan đến cụm di tích Champa ở thung lũng Ayun Pa. Đó là tượng thần Shiva ở di tích Yang Mum và bia ký Drang Lai. Cả 2 di vật này được xác định có niên đại khoảng thế kỷ XV.

Ngoài ra, trong sưu tập của Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) cũng đang lưu giữ tượng thần Shiva và trong sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Boston (Mỹ) đang lưu giữ tượng thần Shiva cưỡi bò thần Nandin. Cả 2 được xác định có niên đại khoảng thế kỷ XV và đều tìm thấy tại di tích Yang Mum. Đây là những di vật hiếm hoi được tìm thấy ở cao nguyên này.

Có thể bạn quan tâm