Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

"Địa chỉ đỏ" một thời hoa lửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ lâu, Bảo tàng Quân đoàn 3, Nhà truyền thống lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Gia Lai được coi là những “địa chỉ đỏ” để nhiều người tìm đến, nhớ về một thời hoa lửa.

Những ngày tháng 8 lịch sử này, cùng với nhiều đoàn khách, chúng tôi có dịp ghé thăm Bảo tàng Quân đoàn 3-một “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống trên địa bàn TP. Pleiku. Nơi đây đang lưu giữ hơn 3.000 hiện vật, tư liệu quý, ý nghĩa, thể hiện chiến công vang dội của quân và dân Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Dẫn chúng tôi tham quan, Thượng tá Nguyễn Cảnh Minh-Giám đốc Bảo tàng-cho biết: Với khuôn viên rộng hơn 10.000 m2, Bảo tàng được chia thành khu trưng bày trong nhà và ngoài trời. Khu trong nhà là ngôi nhà 3 tầng, trong đó, tầng 1 là khu lưu giữ, bảo quản hiện vật và các phòng hành chính; tầng 2 là khu vực khánh tiết, phòng hội thảo, phòng chức năng, trưng bày 2 đề mục gồm: “Vùng đất, con người Tây Nguyên” và “Các đơn vị tiền thân của Quân đoàn 3”; tầng 3 trưng bày 5 chuyên mục, thể hiện quá trình hình thành và phát triển của Quân đoàn 3 cũng như những kỷ vật, tư liệu quý hiếm.

 Những kỷ vật chiến tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Những kỷ vật chiến tranh được lưu giữ tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Đến với Bảo tàng Quân đoàn 3, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi tận thấy bức quyết tâm thư của Tiểu đoàn 65 gửi Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên trước giờ bước vào tổng tấn công và nổi dậy. Quyết tâm thư được viết trên tấm vải lụa màu vàng rộng 70 cm, dài 2,2 m với nội dung: “Quán triệt Nghị quyết số 1 và mệnh lệnh khẩn cấp của Đảng thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa, làm theo lời huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giờ lịch sử trọng đại đã đến. Tổ quốc đã kêu gọi. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 65 xin sẵn sàng!... Chúng tôi xin đăng ký xung phong vào những đội quân quyết tử sẵn sàng đón nhận và hoàn thành vượt mức cao nhất bất cứ nhiệm vụ gì trên giao, dù hy sinh bản thân, hy sinh một bộ phận cũng quyết tâm thực hiện”. Để chứng thực cho quyết tâm đó là những giọt máu đào điểm chỉ và ký tên của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ. Có đồng chí sử dụng máu từ ngón tay viết thành tên thay cho chữ ký. Hay như bộ sưu tập gồm: kiếm, gậy chỉ huy của tướng ngụy và con dấu của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa do cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) thu được trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975.

Nhiều lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam đã hiểu rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà họ tham gia. Bản thân họ cũng nhận thấy mình là nạn nhân của cuộc chiến ấy. Chính vì thế, nhiều người đã trở lại chiến trường xưa với mong muốn khép lại quá khứ đau thương, mở ra sự hợp tác mới. Và một trong những nơi họ tìm đến là Bảo tàng Quân đoàn 3. Ông Edward Chambers-nguyên phi công lái trực thăng chiến đấu của Căn cứ không quân Pleiku (Trại Holloway) đã viết những dòng tâm sự của mình trong cuốn sổ lưu niệm khi đến tham quan Bảo tàng, tạm dịch là: “Tôi là người lính cuối cùng lái trực thăng của Mỹ rời khỏi căn cứ quân sự Pleiku. Chiến tranh kết thúc, tôi trở lại mảnh đất nơi mình đã gây nên những đau thương, điều ấy luôn ám ảnh trong tôi. Những tư liệu, kỷ vật ở đây gợi lại sự tàn bạo của chiến tranh cũng như tinh thần chiến đấu để bảo vệ đất nước của các bạn. Đến vùng đất này, tôi rất tự hào vì nó đã đổi thay nhiều lắm, người dân có cuộc sống ấm no và trách nhiệm của chúng tôi là phải góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước, sự tin tưởng, hiểu biết”.

Tổ chức kết nạp đoàn tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Kết nạp Đoàn tại Bảo tàng Quân đoàn 3. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Nhà truyền thống lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Gia Lai nằm trong khuôn viên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có diện tích hơn 1.000 m2, được chia làm 2 tầng; ngoài ra còn khu vực ngoài trời trưng bày những phương tiện, trang-thiết bị vũ khí của ta và địch. Hiện nay, Nhà truyền thống đang trưng bày hơn 1.000 hiện vật, tư liệu thể hiện quá trình đấu tranh của quân và dân tỉnh Gia Lai từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, làm nhiệm vụ quốc tế cũng như quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhà truyền thống bố trí trưng bày khoa học giúp khách tham quan có thể hình dung quá trình chiến đấu, trưởng thành của quân và dân tỉnh Gia Lai qua các hiện vật, từ những vũ khí chiến đấu thô sơ đến những phương tiện hiện đại. Qua đó thể hiện tinh thần kiên trung, bất khuất của quân và dân các dân tộc Gia Lai. Nhà truyền thống không chỉ là nơi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh học tập truyền thống của cha anh mà còn là “địa chỉ đỏ” để người dân và thế hệ trẻ tìm đến, cùng nhớ về một thời đau thương, mất mát nhưng rất đỗi tự hào của quê hương. Em Nguyễn Thúy Ánh-học sinh Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) chia sẻ: “Tham quan Nhà truyền thống của lực lượng vũ trang và Nhân dân tỉnh Gia Lai, em rất tự hào vì những chiến công vang dội của các thế hệ cha anh đi trước. Em hiểu rằng để có được độc lập, tự do như ngày hôm nay, biết bao thế hệ đã phải hy sinh xương máu. Chính vì thế, thế hệ trẻ chúng em sẽ cố gắng học tập, tiếp bước truyền thống cha anh để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

 

VĨNH HOÀNG

 

Có thể bạn quan tâm