Truyền thuyết thứ nhất do Rơmah Del sưu tầm và dịch với nội dung: Ngày xưa, ở làng Brel có 2 gia đình gả con cho nhau. Theo đúng tục lệ của người Jrai, cưới được vài hôm, cô dâu mới làm lễ tạ ơn cha mẹ chồng. Lễ vật gồm 1 con heo to và 1 con trâu đực. Tháng sau, chú rể cũng làm lễ tạ ơn cha mẹ vợ tại làng mình.
Vì chú rể là con trai của một gia đình giàu có lại rất uy tín nên họ hàng và dân làng kéo đến chung vui rất đông. Rượu ghè nhiều không đếm xuể. Già làng phân công những người có kinh nghiệm giết bò, còn việc mổ heo thì giao cho đám thanh niên. Chúng vừa đùa giỡn vừa xẻ thịt nướng ăn và ăn luôn cả cái đuôi heo.
Khi thầy cúng vào làm lễ nhìn quanh không thấy đuôi heo đâu thì rất tức giận, nhất định yêu cầu phải có đuôi heo mới. Người nhà lật đật gọi đám thanh niên giết heo khác, nhưng lần này vì quá đói chúng lại ăn mất cái đuôi. Cứ như thế, lục đục mãi đến tối buổi lễ tạ ơn mới bắt đầu.
Để trừng phạt đám thanh niên đã ăn vụng đuôi heo, già làng đặt tên làng này là Plei Aku nghĩa là làng cái đuôi, để mỗi khi gọi đến tên làng thì chúng phải xấu hổ vì hành động của mình.
Cụm từ Yam Pom Ku tại dòng thứ nhất mặt A bia ký C.42. Ảnh: Jaya Thiên |
Truyền thuyết thứ hai do Ty Thông tin của chế độ cũ sưu tầm và công bố vào đầu thập niên 60 của thế kỷ XX với nội dung: Nhân một ngày hội lớn, người Jrai quần tụ quanh nhà rông để tộc trưởng cúng Yàng.
Giữa lúc dân làng đang vui mừng nhảy múa quanh con trâu cúng thì xảy ra một cuộc xô xát giữa 2 con trai tộc trưởng. Họ tranh nhau cái đuôi trâu, bởi theo phong tục của người Jrai, nếu ai chiếm được đuôi trâu để tế trời đất là một vinh dự lớn.
Cuối cùng, người chiếm được đuôi trâu được lưu lại vùng đất này và đặt tên làng là Aku (cái đuôi) với dụng ý đề cao chiến thắng của mình. Người không chiếm được đuôi trâu phải dạt đi, lập các làng mới.
Hai truyền thuyết trên nhiều khả năng phát sinh sau khi hình thành địa danh Pleiku, mục đích là để giải thích từ Pleiku theo nghĩa làng đuôi. Cả 2 truyền thuyết này đều khó thuyết phục vì người Jrai không đặt tên làng theo sự kiện mà thường đặt tên theo sông, núi, phương hướng, cây cối, người lập làng...
Về mặt lịch sử thành văn, trong Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, từ “Plei-Kou” lần đầu tiên xuất hiện trong văn bản, với nội dung: “Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei Kou-Derr; tỉnh lỵ đặt tại làng Jrai có tên Plei Kan derr”.
Gần 2 năm sau, ngày 25-4-1907, Nghị định Toàn quyền Đông Dương đã xóa tỉnh Plei-Kou-Derr. Đất đai của tỉnh này được chia thành 2 phần, một phần nhập vào tỉnh Bình Định, một phần nhập vào tỉnh Phú Yên. Theo nghị định này, đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ đây, Pleiku với ý nghĩa một địa danh đã ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân thì tên Plei-Kou-Derr có thể là từ Plơi Kơdưr được phiên tự theo cách viết tiếng Pháp. Plơi tiếng Jrai nghĩa là làng. Còn Kơdưr có 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất là hướng Bắc, nghĩa thứ hai là trên cao.
Cả 2 nghĩa này đều phù hợp với vị trí của Pleiku. Bởi vì ngày xưa, vùng đất sinh sống của người Jrai là phía Nam của Pleiku. Với nghĩa thứ hai, Pleiku là làng có độ cao hơn so với các làng khác của người Jrai. Như vậy, Plơi Kơdưr nghĩa là làng Bắc hoặc làng thượng (trên cao).
Chữ Pom (Po) trong tiếng Chăm. Ảnh Jaya Thiên |
Tuy nhiên, cách giải thích trên cũng chưa đủ cơ sở khoa học. Trong bản thảo từ điển ngôn ngữ Jơrai “Ebauche de Dictionnaire de la Langue Jơrai (1955-1964)”, nhà nghiên cứu nổi tiếng người Pháp Jacques Dournes đã sống 25 năm ở khu vực Tây Nguyên (1946-1970), chuyên nghiên cứu về văn hóa Jrai và các tộc người vùng Tây Nguyên cũng cho rằng địa danh Pleiku xuất phát từ Plơi Aku (Ku)-làng đuôi. (trang 693: Plơi=Bbon: làng; Aku=Ku: đuôi; Plơi Aku (Ku)-làng đuôi).
Nếu địa danh Pleiku xuất phát từ cách phiên tự cụm từ Jrai “Plơi Kơdưr” theo cách viết tiếng Pháp thì chắc chắn Jacques Dournes-một người Pháp đã biết điều này. Tuy nhiên, trong cuốn từ điển nêu trên cũng như các công trình nghiên cứu của ông về Tây Nguyên đều không hề có thông tin về địa danh Pleiku xuất phát từ cách phiên tự theo tiếng Pháp của một cụm từ Jrai.
Gần đây, nhà nghiên cứu Jaya Thiên (người Chăm) ở Ninh Thuận cho biết: Từ Pleiku còn có một lớp nghĩa khác mà chưa ai nói đến, đó là “làng Tôi”! Cần nói thêm, Jaya Thiên cùng với Jayahajan là 2 nhà nghiên cứu trong nước đầu tiên dịch được hoàn chỉnh một văn khắc Champa trực tiếp từ tiếng Chăm cổ và tiếng Phạn cổ sang tiếng Việt.
Đó là văn khắc Vân Thê tại nhà thờ tộc Chế (làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế) đăng trên tạp chí sông Hương năm 2021. Đây là một bước tiến lớn của các nhà nghiên cứu Champa trong nước khi trước đây tất cả văn khắc, bia ký Champa đều do các chuyên gia nước ngoài dịch.
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu Jaya Thiên cho biết: từ “ku” trong “Pleiku” xuất phát từ cụm từ “Yam Pom Ku” (Yang Po Ku), xuất hiện trong cả 3 ký Chăm ở Gia Lai: Ở dòng thứ nhất mặt A trong bia ký C.42; dòng thứ 2 mặt A của bia Tư Lương C.237 và dòng thứ 2 mặt A trong bia Drang Lai C.43. Cụm từ tiếng Chăm cổ “Yam Pom Ku” (Yang Po Ku) là nguồn gốc hình thành địa danh Pleiku ngày nay.
Trong tiếng Chăm cổ: “Yam” (Yan, Yang) có nghĩa là thần; “Pom” (Po) có nghĩa là chủ, vua. Từ “Ku” (bao gồm [Aku/iku] và [Ku]) trong tiếng Chăm cổ cũng như tiếng Jrai cổ cùng ngữ hệ Nam Đảo có nghĩa là “Tôi”, mà kế thừa trực tiếp từ nó là từ “Kau” (Kaw) trong tiếng Chăm hiện đại hoặc “Kâu” (Kâo) trong tiếng Jrai hiện nay.
“Yam Pom Ku” (Yang Po Ku) có nghĩa là “Thần Chủ [của] Tôi”. Yang Po là danh xưng kết hợp giữa 2 yếu tố: “Yang” (Thần) với “Po” (Vua) có nghĩa là “Thần Chủ”, ý nói đến vị thần chủ bảo hộ cho Vương quốc Champa là thần Shiva.
Trước đây, khu vực Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng thuộc quyền cai quản của Vương quốc Champa cổ, ít nhất là vào thế kỷ XIV-XV. Trung tâm Pleiku xưa là ngôi làng lớn, sau đó phân tách ra các ngôi làng nhỏ khác. Trong tiếng Chăm, Palei là làng. Người Chăm gọi làng này là Palei Yang Po Ku: Làng [thuộc] Thần Chủ [của] Tôi. Người Jrai gọi là Plơi Yang Po Ku. Qua thời gian, cụm từ “Yang Po” bị rơi mất còn lại “Plơi Ku” rồi thành “Pleiku”.
Một điều rất thú vị là trong văn bản sớm nhất có liên quan đến địa danh Pleiku, Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905 về thành lập tỉnh Plei Kou-Derr, từ “Kou” có xuất hiện. Lúc này, người Jrai chưa có chữ viết, chữ “Kou” có thể là cách người Pháp ký âm của từ Kâu (Kâo) trong ngôn ngữ nói của người Jrai.
Nghị định này có nội dung: “Đem vùng miền núi phía Tây tỉnh Bình Định thành lập một tỉnh tự trị, lấy tên là Plei Kou-Derr; tỉnh lỵ đặt tại làng Jrai có tên Plei Kan-derr”. Một lần nữa, từ “Kan” trong Plei Kan-derr, có thể là cách ký âm (chưa chính xác) của người Pháp từ từ Kâu (Kâo) trong tiếng nói của người Jrai. Điều này càng củng cố thêm cho giả thuyết: Pleiku có nghĩa là “làng Tôi”.
Ở các khu vực thuộc lãnh địa Vương quốc Champa cổ, tên một địa danh hiện nay có nguồn gốc từ tiếng Chăm cổ là rất phổ biến như: Đà Nẵng xuất phát từ Hang Danak (chợ ven sông); Thị Nại xuất phát từ Sri Binay (cảng biển) phiên âm thành Thi Lị Bi Nại, rút gọn còn Thi Nại, rồi thành Thị Nại; sông Đà Rằng xuất phát từ Dak Kraung hay Dakran (con sông lớn); Nha Trang xuất phát từ Aia (ea) Trang (vùng nước, đất cỏ lau); Phan Rang xuất phát từ Panduranga là một tiểu quốc thuộc Vương quốc Champa cổ… Việc địa danh Pleiku có thể xuất phát từ tiếng Chăm là điều rất có thể.