Thời sự - Sự kiện

Thời sự quốc tế

Điểm nóng xung đột ngày 19-11: Những vũ khí liên tục vượt 'lằn ranh đỏ' của Nga

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và một loạt vũ khí khác bên trong lãnh thổ Nga.

Theo Reuters, một số hệ thống vũ khí mà các nước phương Tây ban đầu ngần ngại cung cấp nhưng cuối cùng đã được bàn giao cho Ukraine.

Dưới đây là một số hệ thống vũ khí đó.

ATACMS

Mỹ đã trì hoãn việc cung cấp Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) vì lo ngại rằng Nga sẽ coi đây là hành động leo thang.

Cho đến tháng 10-2023, Kiev nhận được phiên bản ATACMS tầm ngắn với tầm bắn tối đa 165 km. Đầu năm 2024, Washington đồng ý bàn giao thêm ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km cho Kiev.

Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và một loạt vũ khí khác bên trong lãnh thổ Nga. Ảnh: The Week
Mỹ đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS và một loạt vũ khí khác bên trong lãnh thổ Nga. Ảnh: The Week

Giờ đây, với sự cho phép của Mỹ, Ukraine có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, rất có thể là xung quanh khu vực Kursk.

Vào tháng 8, các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW - trụ sở tại Washington) cho biết hàng trăm mục tiêu quân sự được biết đến của Nga nằm trong tầm bắn của ATACMS.

Tuy nhiên, có khả năng một số tài sản quân sự đã được chuyển sâu hơn vào Nga để đón đầu quyết định của Mỹ.

Chiến đấu cơ F-16

Các phi công Ukraine chỉ bắt đầu được đào tạo về F-16 vào tháng 8-2023 sau các cuộc đàm phán kéo dài.

Ukraine hy vọng hoàn thành quá trình huấn luyện càng sớm càng tốt và cho biết đã nhận được những chiếc F-16 đầu tiên vào ngày 31-7 năm nay.

Xe tăng phương Tây

Các đồng minh Đông Âu của Ukraine đã cung cấp cho nước này những chiếc xe tăng thời Liên Xô kể từ năm 2022. Tuy nhiên, Kiev muốn có những chiếc xe tăng do phương Tây sản xuất như Challenger 2 của Anh và Leopard 2 của Đức.

Quá trình bàn giao các xe tăng này được chấp thuận sau một cuộc đàm phán kéo dài vào tháng 1-2023.

Thỏa thuận trước đó bị trì hoãn do Đức lo ngại động thái này có thể bị Nga coi là leo thang căng thẳng. Berlin cuối cùng đã chấp thuận việc bàn giao xe tăng Leopard 2 từ kho dự trữ của các nước khác cũng như của chính mình cho Kiev.

Ngoài hạn chế cung cấp vũ khí, trong hơn 2 năm qua, Mỹ cũng không cho phép Ukraine tấn công Nga bằng bất kỳ hệ thống vũ khí nào do nước này cung cấp.

Nhưng sau cuộc tấn công của Nga gần TP Kharkiv của Ukraine hồi tháng 5-2024, Washington đã thay đổi lập trường trước áp lực từ Kiev. Tổng thống Joe Biden được cho là để Ukraine bắn vũ khí do Mỹ cung cấp vào các mục tiêu quân sự bên trong nước Nga.

Theo Phạm Nghĩa (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm