Những thiết bị trong túi quần đã trở thành vũ khí chết người. Ngày 17-9, hàng ngàn máy nhắn tin được Hezbollah trang bị cho thành viên và đồng minh ở Lebanon và Syria phát nổ. Ngày 18-9, đến lượt hàng ngàn bộ đàm phát nổ.
Tổng cộng 2 vụ tấn công làm chết hơn 20 người và hàng ngàn người bị thương. Theo trang Vox, còn có thông tin nhiều hệ thống năng lượng mặt trời phát nổ ở nhiều khu vực của Lebanon nhưng chi tiết cụ thể không rõ ràng.
"Đây có lẽ là chiến dịch tình báo ấn tượng nhất mà tôi từng biết" - ông Marc Polymeropoulos, cựu chuyên gia chống khủng bố của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét với Vox. Cuộc tấn công này cũng khiến nhiều cựu nhân viên tình báo khác kinh ngạc vì cả quy mô lẫn tính tinh vi.
Binh lính Lebanon cho nổ pin một thiết bị liên lạc ở thị trấn Qlayaa, miền Nam Lebanon. Ảnh: Reuters |
Nhiều chuyên gia và cơ quan truyền thông cùng chung nhận định là một lượng nhỏ vật liệu nổ đã được cài bên trong các thiết bị. Một số báo cáo cho rằng chất nổ được kích hoạt bằng phần mềm độc hại làm tăng nhiệt độ của pin trong các thiết bị.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ tiết lộ các thiết bị này cũng được cài đặt công tắc để kích nổ chất nổ từ xa. Theo một số nguồn tin, các máy nhắn tin đã nhận được nhiều tin nhắn đồng thời vào ngày 17-9, có vẻ như đến từ lãnh đạo cấp cao của Hezbollah, song thực tế các máy chỉ kêu bíp trong vài giây và phát nổ.
Cuộc tấn công diễn ra chỉ vài tuần sau vụ ám sát lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Tehran - Iran, được cho là do một quả bom mà điệp viên Israel cài sẵn trong nhà khách ở thủ đô Iran vài tháng trước đó. Nó cũng diễn ra vài ngày sau một cuộc đột kích hiếm hoi của lực lượng bộ binh Israel ở Syria, phá hủy một nhà máy tên lửa ngầm được cho là của Iran.
Ông Charles Lister, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Trung Đông, bình luận: "Những gì chúng ta thấy trong hai tháng qua chứng tỏ Israel và mạng lưới tình báo của họ đã xâm nhập hoàn toàn vào các cấp bậc nhạy cảm nhất của toàn bộ Trục Kháng cự". "Trục Kháng cự" là tên gọi không chính thức của mạng lưới lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Trung Đông.
Một cửa hàng thiết bị liên lạc ở TP Sidon - Lebanon. Ảnh: Reuters |
Chỉ mới một năm trước, danh tiếng của các cơ quan tình báo Israel bị tổn hại nghiêm trọng do cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel hôm 7-10-2023. Nhưng nay "họ đã khôi phục được khái niệm răn đe dựa trên nỗi sợ hãi, cảnh báo rằng Israel có tai mắt ở khắp mọi nơi", theo chuyên gia Polymeropoulos.
Tuy nhiên, theo Vox, ngoài việc chứng minh năng lực của Mossad (cơ quan tình báo nước ngoài của Israel), cuộc tấn công lần này chưa cho thấy các mục tiêu chiến lược tổng thể của Israel.
Câu hỏi hiện tại là có phải Israel cho nổ các thiết bị để chuẩn bị cho một hành động quân sự lớn hay không, hoặc nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng phải chăng đây là cách làm giảm căng thẳng thông qua việc đẩy Hezbollah vào tình thế khó khăn?
Hiện tại, giả thuyết thứ hai có vẻ khả dĩ hơn, bởi Israel dường như không tận dụng hỗn loạn ở Lebanon để phát động một cuộc xâm nhập bằng bộ binh.
Cũng có thể thời điểm của cuộc tấn công vừa qua chỉ mang tính ngẫu nhiên. Trang tin Al-Monitor đưa tin Israel dự định chờ thêm một thời gian nữa mới kích nổ các thiết bị, song họ "buộc phải ra tay nhanh chóng do một số thành viên Hezbollah bắt đầu nghi ngờ về máy nhắn tin".
Có thông tin Hezbollah không dùng điện thoại di động nữa mà chuyển sang máy nhắn tin từ vài tháng trước để tránh bị Israel do thám. Hệ thống liên lạc thường là điểm yếu của các nhóm vũ trang. Đầu tuần rồi, Wall Street Journal đưa tin lãnh đạo hàng đầu của Hamas hiện nay, ông Yahya Sinwar, hoàn toàn không dùng các thiết bị điện tử và dựa vào mạng lưới người đưa tin và các tin nhắn viết tay mã hóa để liên lạc.
Theo Hải Ngọc (NLĐO)