Điểm đến Gia Lai

Điểm sáng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, xã Nghĩa Hưng và xã Hà Tây (huyện Chư Păh) đã tạo được những chuyển biến tích cực trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong 2 năm (2021-2022), 2 xã này lần lượt được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hiệu quả từ những mô hình

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Khyơn-Trưởng thôn Kon Sơ Lăh và ông Với-Trưởng thôn Kon Băh (xã Hà Tây) đều phấn khởi khi nói về sự thay đổi tích cực trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn kể từ khi xây dựng mô hình “Làng thanh niên không có tội phạm và tệ nạn xã hội” theo chỉ đạo của UBND xã.

Ông Với cho biết: “Năm 2020, chúng tôi thành lập mô hình này. Các thành viên chia tổ thành 6 nhóm để thay phiên nhau trực ở nhà rông của làng vào ban ngày, còn buổi tối thì đi tuần tra quanh làng từ 7 đến 9 giờ. Nhờ vậy mà tình trạng vi phạm pháp luật giảm hẳn”.

Xã Hà Tây được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: T.D

Xã Hà Tây được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ảnh: T.D

Còn ông Khyơn thì cho hay: “Làng mình có 2 tổ tự quản gồm 1 tổ của thanh niên và 1 tổ chung của làng. Nếu phát hiện có thanh-thiếu niên chạy xe máy lạng lách, nẹt pô, người dân sẽ báo để tổ tự quản thanh niên đến nhà nhắc nhở, vận động chấp hành pháp luật. Hay khi thấy đối tượng lạ vào làng, bà con sẽ theo dõi, nếu phát hiện truyền đạo trái phép thì báo cơ quan chức năng ngay. Ngoài ra, dân làng còn góp tiền để cùng với xã lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng trên một số tuyến đường giao thông và lắp camera an ninh trong làng. Nhờ vậy mà từ năm 2020 đến nay, an ninh trật tự trong làng luôn ổn định, không còn tình trạng thanh-thiếu niên chạy xe máy nẹt pô, rú ga như trước”.

Tương tự, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tại xã Nghĩa Hưng cũng có những chuyển biến tích cực. Trước đây, các đối tượng xấu ở nơi khác thường vào làng để trộm cắp nông sản và các tài sản khác gây bức xúc trong dân. Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành pháp luật của một số hộ dân còn hạn chế dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng. Nhiều người dân còn sử dụng súng tự chế để săn bắn thú rừng. Đối với làng Bui, tình trạng thanh niên vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến, nhất là các hành vi không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, tình hình an ninh trật tự đã thực sự thay đổi khi 2 làng thành lập 2 mô hình “Làng an toàn không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Làng nông dân tự quản về an ninh trật tự”.

Ông Rơ Châm Phyan-Trưởng thôn Klung-bộc bạch: “Từ khi mô hình đi vào hoạt động, chúng tôi đã tích cực tuần tra, kiểm soát địa bàn và hòa giải nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong cộng đồng. Chúng tôi cũng đã vận động thu hồi 2 khẩu súng tự chế trong dân để bàn giao cho Công an xã. Đến nay, tình trạng mất trộm nông sản không còn xảy ra, an ninh trật tự được duy trì ổn định”.

Quyết tâm giữ vững an ninh trật tự

Đại úy Phạm Thành Luân-Trưởng Công an xã Nghĩa Hưng-thông tin: “Toàn xã có 2.521 hộ/10.532 khẩu ở 13 thôn, làng. Vì xã nằm dọc quốc lộ 14, giáp với TP. Pleiku và huyện Ia Grai nên tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trước tình hình đó, Công an xã đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đến nay, xã đã xây dựng được 8 mô hình đảm bảo an ninh trật tự và đều phát huy hiệu quả.

Thời gian tới, Công an xã tiếp tục xây dựng thêm mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” nhằm đảm bảo an ninh học đường tại các khu vực trường học”. Cũng theo Đại úy Luân, năm 2021, xã được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Các tổ tự quản ở xã Hà Tây thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật. Ảnh: Thiên Di

Các tổ tự quản ở xã Hà Tây thường xuyên tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành pháp luật. Ảnh: Thiên Di

Còn Trung tá Trần Hồng Thuấn-Phó Trưởng Công an xã Hà Tây thì cho biết: Ủy ban nhân dân xã đã vận động 4 làng xây dựng các mô hình: “Làng thanh niên không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Chi hội nông dân không vi phạm Luật Giao thông đường bộ và điển hình trong cải tạo, xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu”, “Câu lạc bộ gia đình hội viên phụ nữ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình”. Năm 2023, xã đã xây dựng mô hình “Camera an ninh”, lắp đặt 9 mắt camera ở 9 vị trí trọng yếu.

“Từ đầu năm đến nay, chúng tôi tổ chức 36 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật và 46 buổi phát động quần chúng tham gia phòng-chống các loại tội phạm với hơn 7.300 lượt người tham gia. Trong gần 7 tháng qua, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ vi phạm pháp luật, giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu Đảng ủy, UBND xã thành lập thêm các mô hình bảo đảm an ninh trật tự ở 5 làng còn lại”-Trung tá Thuấn cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Biên-Chủ tịch UBND xã Hà Tây-cho biết: Gần 3 năm qua, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong xã được nâng cao, không có trường hợp người dân tộc thiểu số vượt biên. Năm 2022, xã được Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết thêm: Tới đây, xã tiếp tục chỉ đạo các lực lượng tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, xã chú trọng công tác tuyên truyền để tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật. Xã cũng đã làm việc, ký kết với các xã giáp ranh của tỉnh Kon Tum, huyện Đak Đoa để cùng phối hợp thực hiện tốt hơn công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Có thể bạn quan tâm