(GLO)- Đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng với ngành điện nói chung, Điện lực Đức Cơ nói riêng. Với phương châm điện đi trước một bước, những năm qua, Điện lực Đức Cơ đã và đang nỗ lực vượt gian khó để mang ánh sáng điện về cho bà con và cho Đồn Biên phòng đứng chân tại đây, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đảm bảo an ninh chính trị của bà con, chiến sĩ vùng đất khó.
Khắc phục sự cố lưới điện. Ảnh: H.D |
Dự án cấp điện nông thôn, biên giới, hải đảo giai đoạn 2015-2020 đã được Bộ Công thương phê duyệt với tổng mức đầu tư 10.800 tỷ đồng. Theo đó, khu vực miền Trung-Tây Nguyên có 426 xã, thuộc 44 huyện tại 5 tỉnh (Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên và Gia Lai) được đầu tư lưới điện.
Đây thực sự là tin vui đối với bà con vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng biên giới với hơn 6.000 hộ dân, trong đó 90% là đồng bào Jrai đang rất cần được đầu tư lưới điện. Đối với dân cư nơi đây, do cự ly cư trú phân tán nên các công trình điện thi công qua địa hình này khó khăn, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Hơn thế, các công trình cách xa trạm biến áp đầu nguồn dẫn đến việc quản lý lưới điện sau vận hành gặp rất nhiều khó khăn. Còn các đồn, chốt Biên phòng thường nằm sâu trong núi, rừng già, đường sá đi lại rất khó khăn, có nhiều nơi không đi xe được mà phải đi bộ, vượt sông, suối; công nhân điện khi khảo sát địa hình, thi công hay xử lý sự cố lưới điện phải dùng phao để bơi qua.
Phải từng một đêm thức trắng đi xử lý sự cố cùng với cán bộ quản lý đường dây mới cảm nhận được hết sự vất vả của công nhân ngành điện. Bất kể mưa gió, bão bùng, hễ có sự cố là anh em lại lên đường kiểm tra, xử lý. Nhớ có lần bám càng với anh em tổ đường dây của Điện lực Đức Cơ đi giải quyết sự cố do cây đổ vào đường dây cấp điện cho Đồn Biên phòng 719, với 20 km đường rừng, những người thợ đường dây chia nhau ra để kiểm tra từng trụ điện. Và khi xác định được nơi xảy ra sự cố, các anh mới tập trung lại xử lý. Anh Nguyễn Thành Tâm, Tổ trưởng Tổ Đường dây tâm sự: “Nhiều lúc mưa to, gió lớn, những cây cổ thụ ngã vào đường dây làm gãy trụ, đứt dây thì phải mất vài ngày mới giải quyết xong”.
Thực tế tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, bà con sống thưa thớt, kéo điện cả chục km chỉ cho vài chục hộ sử dụng. Lượng điện sử dụng một tháng chỉ vài chục kW một gia đình, hóa đơn tiền điện chưa đến 10.000 đồng, các nhân viên Điện lực phải đi nửa ngày mới tới nơi nên hiệu quả kinh tế với ngành điện là không cao. Tuy nhiên, khi có điện, bà con sẽ được tiếp cận với các mô hình làm kinh tế giỏi, những kinh nghiệm trong sản xuất, có động lực nỗ lực vươn lên đổi thay cuộc sống.
Mùa mưa Tây Nguyên đang đến, những người thợ điện tại các địa phương lại tập trung lập phương án để kiểm tra, phát quang hành lang tuyến. Cùng với những dự án, công trình xây dựng điện sẽ triển khai trong tương lai gần, cơ sở hạ tầng nông thôn vùng biên giới sẽ ngày càng hoàn thiện, góp phần cải thiện cuộc sống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực nông thôn, đáp ứng tiêu chí số hộ sử dụng điện lưới quốc gia theo quy định xã nông thôn mới.
Hà Duy