Khoa học - Công nghệ

Tin tức công nghệ

Điện thoại 5G đầu tiên ở Việt Nam sẽ sản xuất ở Hòa Lạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi năm VinSmart sẽ sản xuất 26 triệu điện thoại và các thiết bị thông minh, trong đó, từ năm 2020 sẽ cho ra đời những sản phẩm 5G đầu tiên của Việt Nam.
 
Kiểm tra sản phẩm trên dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh VinSmart - Ảnh: P.LINH
Sáng 23-11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc, tham dự lễ khánh thành nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh VinSmart, đồng thời chứng kiến lễ ký thoả thuận xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC của Viettel và trao quyết định chủ trương đầu tư cho ba dự án lớn vào Khu CNC Hoà Lạc với số vốn đầu tư gần 7.000 tỉ đồng. 
Tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart có tổng công suất 125 triệu thiết bị/năm, trong đó, giai đoạn 1 của Nhà máy được xây dựng quy hoạch thành các phân khu sản xuất bảng mạch điện tử, sản xuất điện thoại cùng hệ thống các phòng nghiên cứu độc lập. Công suất thiết kế giai đoạn 1 đạt hơn 26 triệu thiết bị/năm, chủ yếu là điện thoại thông minh. 
Đặc biệt, dự kiến từ năm 2020, Viện Thiết bị viễn thông thuộc VinSmart sẽ cho ra đời sản phẩm 5G đầu tiên của Việt Nam, đón đầu tiến trình thương mại hoá mạng 5G.
 
Dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh của VinSmart - Ảnh: P.LINH
Với thỏa thuận hợp tác chiến lược được ký kết sáng 23-11 giữa Viettel và Ban Quản lý khu Công nghệ cao Hòa Lạc, quý 1-2020, Viettel sẽ khởi công xây dựng dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp CNC trên diện tích 9,1ha tại Khu CNC Hòa Lạc.
 
Viettel sẽ xây dựng Tổ hợp sản xuất công nghiệp công nghệ cao tại Khu CNC Hoà Lạc - Ảnh: T.HÀ
Đây sẽ trở thành trung tâm thử nghiệm, sản xuất thiết bị công nghệ cao của Viettel. Tiếp theo đó, Viettel cũng sẽ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Viettel trên diện tích 13,2ha, được coi là khu nghiên cứu R&D quy mô lớn, là vườn ươm cho những dự án trọng điểm của Viettel như các sản phẩm công nghiệp quốc phòng, thiết bị điện tử viễn thông, hạ tầng mạng 5G, IoT...
Theo đại diện Ban quản lý Khu CNC Hòa Lạc, từ khi thành lập tới nay, khu CNC thu hút được 91 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 86.300 tỉ đồng, trong đó 45 dự án đang hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và gia công phần mềm, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa.
Ban quản lý Dự án cũng đang trao đổi để thu hút một số dự án đầu tư của một số đơn vị tiềm năng với tổng số vốn dự kiến 26.000 tỉ đồng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Khu CNC Hòa Lạc có kế hoạch phát triển, đầu tư sáng tạo, mở rộng sản xuất, ứng dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến, tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam, sớm đưa ra thị trường những sản phẩm công nghệ có chất lượng, nâng tầm giá trị thương hiệu và niềm tự hào sản phẩm Việt Nam.
"Khu CNC Hòa Lạc phải là "một trung tâm đào tạo" nguồn nhân lực công nghệ bậc cao cho đất nước. Bên cạnh đó, trong quá trình hoạt động và phát triển, Khu CNC cần đề xuất những chính sách mới mang tính đột phá về phát triển khoa học, công nghệ" - bà Ngân nói.
T. Hà (TTO)

Có thể bạn quan tâm