Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Quốc phòng

Điều quân đến châu Á, Anh đối đầu Trung Quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc Anh tuyên bố triển khai 2 chiến hạm đến hoạt động thường trực tại châu Á có thể xem là động thái cứng rắn mới nhất của nước này nhằm đối đầu Trung Quốc.

Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth tập trận cùng hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương mới đây-HẢI QUÂN ANH
Tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth tập trận cùng hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương mới đây-HẢI QUÂN ANH


Mới đây, tờ Hoàn Cầu thời báo, một phiên bản của Nhân dân nhật báo trực thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, đăng bài cảnh báo việc Anh tăng cường điều động hải quân đến châu Á.

Liên tục tăng cường hoạt động

Bài viết được đăng tải sau khi Reuters ngày 20.7 đưa tin Anh vừa thông báo kế hoạch điều động 2 chiến hạm đến hoạt động thường trực tại châu Á. Thông báo được đưa ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace công du Nhật Bản mới đây và có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Nobuo Kishi. Tuy nhiên, thông báo chưa nêu rõ Anh sẽ điều động các chiến hạm nào và trú đóng ở địa điểm nào tại châu Á.

Không những vậy, bất chấp việc đang phải đối phó dịch Covid-19, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ vẫn đến Biển Đông trong tháng 8 theo kế hoạch đề ra. Từ năm 2019, khi HMS Queen Elizabeth vẫn trong quá trình hoàn thiện thì đã được London nhiều lần tiết lộ sẽ điều động chiến hạm này đến châu Á ngay trong hoạt động xa bờ đầu tiên.

Đến đầu năm nay, Anh tiếp tục nhiều lần tái khẳng định kế hoạch vừa nêu. Đúng dự định, từ cuối tháng 5, HMS Queen Elizabeth bắt đầu chuyến đi kéo dài 28 tuần, với hải trình khoảng 26.000 hải lý (khoảng 48.000 km) để đến châu Á và có vào Biển Đông.

Tại Ấn Độ Dương, HMS Queen Elizabeth tổ chức tập trận cùng hải quân Ấn Độ. Bên cạnh đó, từ ngày 14 - 31.7, Anh cũng tham gia cuộc tập trận Talisman Sabre diễn ra tại Úc. Cuộc tập trận này có sự tham gia trực tiếp của Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, Canada, Hàn Quốc và New Zealand. Trong khi đó, Ấn Độ, Indonesia, Đức và Pháp tham gia với vai trò quan sát viên.

Nội dung tập trận bao gồm phòng thủ và tái chiếm đảo được giới quan sát nhận định như một động thái “dằn mặt” các hành vi của Trung Quốc ở một số vùng biển trong khu vực.

Động lực của Anh

Ngày 24.7, trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Anh lâu nay vẫn duy trì các liên kết kinh tế mạnh mẽ với châu Á. Bên cạnh đó, việc tách khỏi EU đã khiến London có thêm động lực mới để thiết lập lại sự hiện diện và các mối quan hệ bên ngoài châu Âu. Các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông có khả năng đe dọa mối quan hệ kinh tế của Anh với Nhật Bản, Malaysia và Singapore”.

“Có lẽ, nhiều người quên rằng Anh cùng với Úc, Malaysia, Singapore và New Zealand từ nhiều năm trước đã tham gia ký kết “Hiệp ước phòng thủ chung 5 bên”. Nên ngay cả khi chưa xem Trung Quốc là mối đe dọa, thì Úc và Anh đều quan tâm đến các hành động ở Biển Đông của Trung Quốc”, cựu đại tá Schuster nhận xét và chỉ ra: “Anh cũng duy trì quan hệ tốt với Ấn Độ, quốc gia đã có đụng độ biên giới với Trung Quốc cách đây chưa lâu. Dù đụng độ Ấn - Trung diễn ra trên bộ, nhưng tình hình an ninh của Ấn Độ Dương là lợi ích chung của London - New Delhi”.

Chính vì thế, theo chuyên gia Schuster, tuy London chưa xác định 2 chiến hạm mà họ sẽ điều đến châu Á, nhưng việc điều động 2 tàu này thể hiện cam kết an ninh chính trị của Anh đối với hòa bình và ổn định của khu vực.

“Tôi tin rằng họ chủ yếu sẽ làm việc với hải quân các nước trong khu vực như Úc, Malaysia và Singapore và tham gia các cuộc tập trận với lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản và hải quân Mỹ khi thấy thích hợp”, ông Schuster nói.

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra: “Căn cứ đồn trú sẽ là một vấn đề. Các tàu chiến thường đòi hỏi được bảo trì thường xuyên và các hỗ trợ khác mà các cảng biển thương mại không có. Tôi nghĩ rằng Anh sẽ đồn trú chiến hạm ở căn cứ của Úc hoặc Singapore”.

Theo ông, HMAS Stirling - căn cứ hải quân ở Perth (Úc) có vị trí tự nhiên, có thể dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương và Biển Đông. Còn Singapore là địa điểm lý tưởng đối với Biển Đông và có tuyến hàng hải ra Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca.

“Tôi nghĩ Perth có thể là sự lựa chọn tốt hơn cho London, vì quân đội Mỹ không hiện diện tại đây nên giúp Anh duy trì hình ảnh độc lập và tái thiết lập mối quan hệ rất bền chặt với hải quân Úc. Ngoài ra, căn cứ Perth cho phép dễ dàng tiếp cận Ấn Độ Dương và có đến 2 ngõ để vào Biển Đông”, vị cựu đại tá nhận định.

Ngoài ra, theo ông, Anh cũng gặp thách thức lớn khi duy trì sự hiện diện của 2 chiến hạm ở châu Á. Hải quân Anh giờ đây có quy mô nhỏ hơn nhiều thập niên trước. “Tuy nhiên, động thái mới có thể hứa hẹn khả năng Anh dự kiến khôi phục ít nhất một phần sức mạnh trước đây của hải quân nước này”, theo ông Schuster.

 


Ngoại trưởng Mỹ sắp thăm Ấn Độ

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ thăm Ấn Độ vào tuần tới, gặp Thủ tướng Narendra Modi và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar vào ngày 28.7, theo Reuters.

Đây sẽ là chuyến công du Ấn Độ đầu tiên của ông Blinken trên cương vị ngoại trưởng Mỹ, trong bối cảnh Washington được cho là cần Ấn Độ hỗ trợ đối phó tình trạng Trung Quốc ngày càng có hành vi mạnh bạo ở châu Á. Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay trong chuyến thăm sắp tới, Ngoại trưởng Blinken sẽ bàn về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific), các lợi ích an ninh chung, cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu cũng như cách đối phó đại dịch Covid-19. Ông Blinken cũng có thể sẽ thảo luận kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ) dự kiến diễn ra vào tháng 9.
Văn Khoa

Nhật, Pháp tăng cường hợp tác an ninh ở Indo-Pacific


Tờ Nikkei Asia đưa tin Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhất trí tăng cường hợp tác về an ninh để đảm bảo Indo-Pacific tự do và rộng mở. Tuyên bố được đưa ra tại Tokyo vào ngày 24.7, sau khi ông Macron đến Nhật dự lễ khai mạc Olympic ngày 23.7. Đây là lần thứ hai ông Macron và ông Suga gặp nhau sau Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh hồi tháng 6.

Theo tuyên bố chung, hai nước sẽ thúc đẩy an ninh hàng hải và phát triển cơ sở hạ tầng các nước ven biển trong khu vực Indo-Pacific, phù hợp với lộ trình hợp tác song phương đưa ra năm 2019. Hai nhà lãnh đạo cũng quan ngại về các cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền ở Hồng Kông và Tân Cương. Ngoài ra, tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân phối vắc xin Covid-19 một cách công bằng.

 

Đông A


Theo Hoàng Đình (TNO)

Có thể bạn quan tâm