1. Xâm xẩm tối một ngày cận Tết cách đây vài năm. Hôm ấy, tôi có việc ra phố nhưng giữa đường không may xe bị thủng lốp. Lo cúng tất niên nên hầu hết các tiệm sửa xe đều đóng cửa sớm. Trong lúc loay hoay dắt xe suốt quãng đường dài tìm chỗ vá thì may sao gặp một tiệm đang soạn sửa dọn mâm cúng phía trước.
Thấy tình cảnh của tôi, anh chủ tiệm gác lại việc nhà, lôi mớ đồ nghề đã cất dọn ra bơm bơm, vá vá. Xong xuôi, tôi mở túi ra tính tiền thì mới phát hiện... quên mang theo ví! Vậy nhưng, thật bất ngờ khi anh chủ tiệm chẳng tỏ ra phiền hà mà vui vẻ xua tay bảo hôm sau gửi, không có gì phải lăn tăn, dù chúng tôi không hề quen biết.
Một chuyện rất nhỏ, nhưng sao những ngọn đèn đường trong mắt tôi lại nhòa đi trong thoáng chốc, lòng vui như chưa từng.
Câu lạc bộ Tóc Hồng Gia Lai lan tỏa điều tử tế từ việc kêu gọi hiến tóc để làm tóc giả tặng bệnh nhân ung thư. Ảnh: Phương Duyên |
Lần khác, cảm kích khi con vừa hồi phục sau ca phẫu thuật khó tại một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh, gia đình tôi gửi biếu bác sĩ thực hiện ca mổ một món quà nhỏ. Mở túi quà, vị bác sĩ từ tâm lấy chiếc phong bì bên trong ra đưa lại cho tôi và nói: “Tấm lòng của gia đình thì tôi xin nhận, còn cái này tôi xin phép gửi lại vì chi phí điều trị cho cháu thời gian qua đã rất tốn kém rồi. Hơn nữa, cháu cần bồi bổ để mau khỏe”.
Từ sau lần đó, vị bác sĩ này đã trở thành ân nhân của gia đình. Và có lẽ với nhiều gia đình bệnh nhân khác, ông cũng luôn như vậy: điềm tĩnh, ân cần, làm vơi nhẹ cơn đau của người bệnh. Người thầy thuốc ấy xem việc mình làm là chức phận, là thực thi lời thề Hippocrates.
2. Nhiều chuyện tử tế vẫn diễn ra hàng ngày xung quanh ta, từ những chuyến thăm, tặng quà học sinh và đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa khi Tết đến, xuân về rất gần hay các hoạt động như xây tặng nhà tình nghĩa, mái ấm biên cương, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, sẻ chia với bao hoàn cảnh bất hạnh, vận động và hỗ trợ xây trường học vùng khó… của nhiều tập thể, cá nhân. Bằng tinh thần lá lành đùm lá rách, không có ai bị bỏ lại phía sau, những vòng tròn đồng tâm, điều thiện cứ lan tỏa ra mãi.
Cho đến giờ, nhắc đến chuyện tử tế, nhiều người sẽ nhớ ngay đến bộ phim tài liệu cùng tên của đạo diễn Trần Văn Thủy, ra mắt năm 1987. Đạo diễn Trần Văn Thủy từng bộc bạch: “Tôi làm “Chuyện tử tế” chỉ bằng linh tính mách bảo rằng con người phải ăn ở tử tế với nhau, rằng có bao nhiêu con người bất hạnh, bất hạnh trên sự vô lý”.
Sức sống của những điều xoay quanh 2 chữ “tử tế” dài lâu đến nỗi, hàng thập kỷ sau khi ra đời, “Chuyện tử tế” vẫn nằm trong top các bộ phim tài liệu tiêu biểu của điện ảnh Việt Nam.
Năm 2022, cùng với “Hà Nội trong mắt ai”, phim đã giúp đạo diễn Trần Văn Thủy nhận giải thưởng “Bùi Xuân Phái-Vì tình yêu Hà Nội”. Bộ phim kinh điển này còn truyền cảm hứng để Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình “Việc tử tế”.
Một người tôi quen biết thuộc thế hệ 7X cho hay anh ấn tượng sâu đậm với “Chuyện tử tế”. Trên các chuyến bay công tác, anh thường mở bộ phim này ra xem đi xem lại, đến mức thuộc từng phân cảnh, lời bình. Vì lý do gì? Anh cho rằng bản thân đang tạm gọi là có chức vụ, có quyền nên việc tự răn mình để tránh ngã lòng, tránh tư lợi là điều phải làm mỗi ngày.
Và đây là một lời bình trong phim mà anh đã thuộc nằm lòng: “Tử tế vốn có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế, bởi thiếu nó thì một cộng đồng dù có nỗ lực tột bậc và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn. Hãy hướng con trẻ và cả người lớn đầu tiên vào việc học làm người-người tử tế trước khi mong muốn họ trở thành những người có quyền hành, giỏi giang hoặc siêu phàm”.
Quan trọng hơn hết, nhiều người đã nhận ra rằng, khi làm điều tử tế, ta không chỉ mang lại giá trị cho cộng đồng mà còn tạo dựng hạnh phúc sâu xa cho chính mình. Hạnh phúc vì được sẻ chia, được cho đi, thấy lòng ấm áp. Đó chẳng phải là ý nghĩa nhân văn của cuộc sống? Tối và sáng song hành, ấy là quy luật tất yếu. Thay vì ca thán bóng tối, sao ta không thắp thêm một ngọn nến để làm rực rỡ thêm ánh sáng?