Sức khỏe

Dinh dưỡng và bệnh bướu cổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại các bệnh viện lớn, hiện số lượng bệnh nhân đến để điều trị bệnh bướu cổ khá đông, có khi chiếm đến 1/3 số lượng bệnh nhân phẫu thuật ở một khoa ngoại. Đáng lưu ý, người dân vùng núi cao như Tây Nguyên dễ bị bướu cổ hơn các vùng khác.

Tỷ lệ người mắc bệnh cao

Bệnh bướu cổ, chính xác hơn là bệnh bướu tuyến giáp, là loại bệnh lý rất hay gặp trên thế giới và đặc biệt ở Việt Nam. Chỉ riêng ở vùng Đông Nam Á với 1.355 triệu dân đã có tới 176 triệu người bị bướu cổ, chiếm đến 13% dân số của vùng. Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê chính thức nhưng ở một số vùng tỷ lệ người mắc bệnh khá cao, từ 3% ở vùng ngoại ô Hà Nội lên đến 67% ở các tỉnh vùng núi cao như Lào Cai, Tây Nguyên…

 

Thăm khám cho 1 bệnh nhân bướu cổ (ảnh minh họa).
Thăm khám cho 1 bệnh nhân bướu cổ (ảnh minh họa).

Có nhiều loại bướu cổ, có loại cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng như bướu cổ thòng trung thất chèn ép khí quản gây khó thở, bướu cổ đi kèm với hội chứng cường giáp, ung thư tuyến giáp đến các loại bướu cổ đơn thuần, bướu cổ dịch tễ địa phương… Trong đó hay gặp nhất là bướu cổ dịch tễ địa phương, chiếm đến hơn 80% các trường hợp bướu cổ. Ngoài một số các yếu tố gây bướu như: di truyền, các tác nhân gây nhiễm khuẩn (các loại vi trùng, các rối loạn về miễn dịch)… còn phải kể đến một nguyên nhân rất hay gặp, chiếm phần lớn các trường hợp, là do chế độ dinh dưỡng và nước uống của người dân địa phương.

Cần chú trọng dinh dưỡng

Theo các công trình nghiên cứu của một số chuyên gia y học và nội tiết hàng đầu thế giới, có một số loại thức ăn tồn tại các tác nhân gây bệnh bướu cổ như: khoai mì, hạt kê, các loại rau họ cải như bắp cải, sữa đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành như đậu phụ… Trong khi đó, các loại rong tảo biển do chứa quá nhiều iod (i-ốt) gây nên tình trạng quá tải iod nên cũng làm cho bệnh nhân bị bướu cổ. Chính vì vậy, những bệnh nhân bị bướu cổ thường được khuyên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm này.

Ở một số vùng, nếu người dân sử dụng nước ở các mạch nước ngầm có chứa nhiều chất Disulfure để uống cũng có thể gây ra bệnh bướu cổ do chất Disulfure ức chế sự hữu cơ hóa trong quá trình tổng hợp hormone tuyến giáp, gây ra tình trạng tăng thể tích tuyến giáp.

Tình trạng suy dinh dưỡng trầm trọng, đặc biệt là thiếu vitamin A cũng gây ra hiện tượng rối loạn sinh tổng hợp hormone tuyến giáp và là một trong những nguyên nhân gây ra bướu cổ. Chính vì vậy, trong khẩu phần ăn của những bệnh nhân bị bướu cổ cần chú ý bổ sung đủ lượng vitamin A cần thiết.

Nhưng, nguyên nhân quan trọng nhất gây ra bệnh bướu cổ dịch tễ chính là tình trạng thiếu iod trong khẩu phần ăn hàng ngày. Việc thiếu hụt iod, ngoài gây ra bệnh bướu cổ, còn gây nên tình trạng đần độn ở trẻ em. Ở các vùng núi cao như Tây Nguyên và các vùng núi phía Bắc, do trong khẩu phần ăn hàng ngày lượng iod rất thấp nên tỷ lệ người mắc bệnh bướu cổ khá cao. Vì vậy, việc tuyên truyền sử dụng muối iod đồng loạt trong dân chúng có tác dụng tốt trong việc phòng bệnh bướu cổ và đần độn ở trẻ em.

PGS-TS Nguyễn Hoài Nam
(Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh)

Có thể bạn quan tâm