(GLO)- Gia Lai có nhiều nét tương đồng về tài nguyên du lịch so với các tỉnh bạn trong khu vực. Vấn đề đặt ra là làm cách nào để sản phẩm du lịch của Gia Lai thật sự phong phú và hạn chế trùng lắp, thưa ông?
Con đường thông “Biển Hồ chè”. Ảnh: Đức Thịnh |
- Ông PHAN XUÂN VŨ-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch: Có một chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng: Trong du lịch phải có tính khác biệt. 5 tỉnh Tây Nguyên có nhiều nét tương đồng về không gian văn hóa cồng chiêng, tỉnh nào cũng có cơm lam, rượu cần, múa xoang và cồng chiêng, rồi kiến trúc, rồi tượng nhà mồ… Nếu du khách có đến Lâm Đồng, Đak Lak hay Kon Tum cũng sẽ thấy na ná như thế. Vì vậy các chuyên gia tư vấn rằng trên cái nền ấy, chúng ta phải làm sao tìm được cái khác biệt.
Đối với Gia Lai thì lãnh đạo tỉnh rất tâm huyết và xác định lợi thế của chúng ta là thiên nhiên, sông suối, ao hồ. Chúng ta có những hồ nổi tiếng như: hồ thủy điện Ia Ly, Biển Hồ-”Đôi mắt Pleiku” hay hồ thủy lợi Ayun Hạ. Ngoài ra, dù không nhiều như trước đây nhưng chúng ta có những ngọn thác ở Kbang, vườn quốc gia hay di tích khảo cổ học di chỉ An Khê. Trong kế hoạch hợp tác liên kết du lịch với Bình Định sắp tới, chúng tôi đã đưa những nét khác biệt này vào trên cái nền không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Trong xây dựng kế hoạch cụ thể từ năm 2017-2020, dự kiến hàng năm chúng ta sẽ chọn trung tuần tháng 3 (có ngày 17-3-kỷ niệm Ngày giải phóng tỉnh Gia Lai) để tổ chức tuần lễ văn hóa-du lịch của Gia Lai. Trong tuần lễ này sẽ mời gọi bạn bè đến với Gia Lai, không chỉ dừng lại ở Pleiku mà sẽ đến với những sản phẩm du lịch đặc trưng, ví dụ như du lịch sinh thái ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Chắc chắn ở đây du khách sẽ cảm nhận khác biệt khi đến với Bản Đôn của Buôn Ma Thuột. Hoặc du khách có thể đến với Tây Sơn Thượng đạo, đến với di chỉ khảo cổ học ở An Khê… thì chắc chắn những tỉnh khác ở Tây Nguyên không có.
Hải Uyên(thực hiện)