TN - Đất & Người

Định hướng triển khai mô hình kinh tế đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâm Đồng là một trong 12 địa phương cả nước sẽ phối hợp triển khai Đề án một số mô hình Phát triển sản phẩm du lịch đêm theo Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL được ban hành ngày 14/7/2023 (gọi tắt là Đề án), căn cứ theo Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, dựa trên thực tiễn hoạt động du lịch của mỗi địa phương.
Lợi thế của Đà Lạt là chợ đêm đã hình thành từ rất nhiều năm (chợ Âm phủ) chủ yếu phục vụ ăn uống

Lợi thế của Đà Lạt là chợ đêm đã hình thành từ rất nhiều năm (chợ Âm phủ) chủ yếu phục vụ ăn uống

Với mục tiêu, phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.

Theo Đề án, các địa phương: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025 sẽ phấn đấu có tối thiểu 1 mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; tăng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ở các địa bàn thực hiện Đề án ít nhất 1 (một) đêm.

Đến năm 2030, sẽ mở rộng hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại các trung tâm du lịch lớn như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Bà Rịa - Vũng Tàu; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm tại các trung tâm du lịch, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông; hình thành thương hiệu sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam.

Có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, bao gồm: Hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, với các dịch vụ đặc trưng là biểu diễn thực cảnh, nghệ thuật truyền thống và đương đại, hoạt động điện ảnh, chương trình âm nhạc, trình diễn ánh sáng, thời trang, lễ hội pháo hoa, lễ hội hóa trang, diễu hành, nghệ thuật đường phố… Hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp: tổ chức cung cấp dịch vụ thể thao như bóng chuyền, chạy bộ, nhảy vũ điệu, yoga, câu cá... các hoạt động chăm sóc sức khỏe, làm đẹp về đêm; định kỳ tổ chức lễ hội, liên hoan, giải đấu, sự kiện thể thao trong nước và các hoạt động giao lưu thể thao, trình diễn quốc tế.

Dịch vụ mua sắm, giải trí đêm: tổ chức dịch vụ mua sắm tại chợ đêm, đường phố, hệ thống bán lẻ, trung tâm thương mại, tổ hợp mua sắm giải trí; tổ chức các sự kiện trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa vùng, miền, sản phẩm nghề truyền thống; tổ chức lễ hội, chương trình, sự kiện, vui chơi giải trí tổng hợp về đêm có tính chất thường kỳ; khai thác dịch vụ casino; và hoạt động vui chơi có thưởng tại những địa điểm đã được cấp phép hoạt động; sẽ lựa chọn tổ chức dịch vụ mua sắm cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng, đa dạng về mẫu mã, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong đó ưu tiên các mặt hàng được sản xuất tại Việt Nam, sản phẩm thủ công, mỹ nghệ mang bản sắc văn hóa, nghề truyền thống Việt Nam sản phẩm được đánh giá, phân hạng theo tiêu chí của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Dịch vụ tham quan du lịch đêm: tổ chức hoạt động tham quan, giải trí về đêm (kéo dài đến 24 h) sử dụng phương tiện vận chuyển hiện đại và truyền thống, các phương tiện mang đặc trưng của điểm đến để tham quan thành phố, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, công trình nghệ thuật, bảo tàng, danh lam thắng cảnh; đồng thời, xây dựng các chương trình du lịch hấp dẫn về đêm trên cơ sở khai thác giá trị nghệ thuật, văn hóa, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên.

Tất cả các mô hình trên sẽ kết hợp với giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm; cùng với các dịch vụ bổ trợ, như: mua sắm, ẩm thực, thể thao, làm đẹp và các dịch vụ giải trí quy mô lớn, hiện đại, mở cửa 24/24h, có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; phù hợp với việc khai thác thế mạnh du lịch, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của địa phương.

Ưu tiên lựa chọn chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật quy mô lớn, đẳng cấp quốc gia và quốc tế, giàu tính sáng tạo, có tính nghệ thuật cao, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc vùng, miền và tinh hoa nghệ thuật thế giới; lựa chọn các tài nguyên văn hoá, thiên nhiên tiêu biểu, có địa điểm khai thác phù hợp và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ khách du lịch.

Trong đó, các loại hình thể thao đặc trưng, đáp ứng các điều kiện tổ chức ở Việt Nam và có khả năng thu hút đông người tham gia; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, sử dụng nguồn tài nguyên đặc sắc của Việt Nam. Hình thành các tổ hợp vui chơi giải trí quy mô, phát triển dịch vụ giải trí đẳng cấp quốc tế với hệ thống trò chơi, hình thức giải trí đa dạng phong phú đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí đa dạng của du khách. Ẩm thực đêm phục vụ các món ăn, đồ uống đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên đặc sản vùng, miền, đặc trưng của Việt Nam và ẩm thực tiêu biểu trên thế giới với quy trình chuyên nghiệp; tổ chức chương trình trình diễn ẩm thực và hình thành các không gian ẩm thực đặc trưng; tổ chức lễ hội, liên hoan, hội thi ẩm thực kết hợp trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa ẩm thực đặc trưng của các vùng, miền, cộng đồng...

Có thể bạn quan tâm