Kinh tế

Doanh nghiệp

DN nhập khẩu lúa mì lao đao vì một văn bản trái luật, lạm quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ vì một văn bản trái luật, lạm quyền của Cục Bảo vệ Thực vật (thuộc Bộ NN&PTNT), nhiều doanh nghiệp nhập khẩu lúa mì đang bị lao đao, khốn đốn trong khi các nước Mỹ, Canada... ngưng không ký kết đàm phán.
Ngày 17/10, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra các Bộ: Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Tư pháp trong việc chậm trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tình hình chuẩn bị các bội dung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác chủ trì buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM đã bức xúc lên tiếng về việc văn bản của Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 yêu cầu tái xuất các lô hàng lúa mì lẫn cỏ dại Cirsium Arvense. Theo bà Chi, 10 ngày qua, nhiều doanh nghiệp ở TPHCM khốn đốn, lao đao vì có công văn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNN&PTNT) yêu cầu từ 1/11/2018 không được nhập lúa mì có cỏ dại Cirsium Arvense vào Việt Nam bởi ảnh hưởng đến môi trường.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm việc với Bộ NN&PTNT
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng làm việc với Bộ NN&PTNT
“Mấy chục năm nay vẫn nhập khẩu, giờ có nhiều con tàu đang chuẩn bị cập cảng mà lệnh của Cục là phải tái xuất các lô hàng này. Đây là lệnh của Cục chứ không phải của Bộ trưởng. Các nước làm việc với ta như Mỹ, Canada ngưng hết, không ký kết đàm phán”, bà Lý Kim Chi nêu thực tế đáng báo động.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM cho biết, bà đã cùng các doanh nghiệp nghiên cứu và gửi thư khẩn cấp cho Bộ trưởng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và ngay hôm sau đã nhận được hồi đáp của Bộ trưởng chỉ đạo Cục tổ chức cuộc họp.
Bà Chi cho biết, khi báo, đài vừa đăng thông tin này lên, lãnh sự Mỹ đã cử ngay tham tán phụ trách về nông nghiệp tới làm việc với Hiệp hội. “Doanh nghiệp hoang mang hết rồi. Chỉ xin Bộ trưởng là lùi, không áp dụng từ ngày 1/11 vì ảnh hưởng toàn bộ đến giao dịch quốc tế” - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM nói. Bà Chi cũng thông tin thêm, nửa tháng nay, các đàm phán quốc tế về nhập khẩu bột mỳ đang bị dừng lại, doanh nghiệp thành phố đang trong tình hình “khủng hoảng kinh khủng”.
Nêu ý kiến về vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị làm rõ thẩm quyền ban hành văn bản của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhưng ông cũng khẳng định “chắc chắn là sai thẩm quyền”, bởi Cục trưởng của một Bộ không có thẩm quyền ban hành các văn bản trong lĩnh vực quản lý nhà nước.
“Chưa xét đến vấn đề đúng sai, nhưng khi ban hành văn bản như vậy tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta phải tham khảo các đối tượng tác động, quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải có độ trễ, có thời gian chuyển tiếp, không bao giờ đưa một cái chặt đứt ngay và quan điểm của Thủ tướng là không cho phép hồi tố,” ông Dũng nói.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Văn phòng Chính phủ cập nhật, xem lại, đồng thời có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xử lý; Các đơn vị cục, vụ có ban hành văn bản phải rút kinh nghiệm. “Nếu sai thẩm quyền là chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ sẽ báo cáo, tổng hợp và xử lý việc này, không thể để thế này được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về việc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 sau khi nhận văn bản của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật để ban hành Công văn số 95 về việc bắt đầu từ 1/11/2018, các lô hàng vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm cỏ dại yêu cầu phải tái xuất, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định: “Xét về tính pháp lý là hoàn toàn không đúng thẩm quyền".
“Luật không cho phép anh làm nhưng anh dám ban hành văn bản, cả nước áp dụng một văn bản của Chi cục là không đúng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh thêm và đề nghị đại diện Bộ NN&PTNT tiếp thu. Ông cũng cho biết sẽ báo cáo để Thủ tướng chỉ đạo thu hồi công văn này.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, tổ công tác sẽ họp với các cục, vụ liên quan đến Bộ NN&PTNT, mời các hiệp hội, VCCI, Viện Quản lý kinh tế Trung ương, Viện Kinh tế Việt Nam ngồi lại để có minh bạch hơn nữa, không để tái diễn tình trạng ban hành văn bản như vừa qua.
Hoàng Hải (VNMedia.vn)

Có thể bạn quan tâm