Đô thị

Nhịp sống Đô thị

Đô thị TP HCM sẽ bứt phá ngoạn mục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cùng với các công trình đang xây dựng, những dự án khởi công thời gian sắp tới hứa hẹn tạo thêm nét tươi tắn cùng đột phá cho hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị của TP HCM

Những ngày đầu năm 2024, bên cạnh không khí rộn ràng, sôi động trên những công trình trọng điểm như Vành đai 3, đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ… niềm hân hoan cũng hiện hữu tại những khu vực dự án sắp khởi công.

Mát lòng trước dòng kênh sắp hồi sinh

Dù chưa biết cụ thể ngày tháng khởi công dự án nhưng người dân sống dọc rạch Xuyên Tâm, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (nối 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp), khi được hỏi đều bày tỏ sự phấn khởi.

Hơn ai hết, nhiều năm chịu đựng sự ô nhiễm, bức bí bởi môi trường sống kém chất lượng, họ từng ngày mong chờ dòng kênh được trong xanh trở lại.

Phối cảnh dự án Rạch Xuyên Tâm

Phối cảnh dự án Rạch Xuyên Tâm

Cùng chung niềm vui dòng kênh sắp được xanh hóa, hàng ngàn hộ sống quanh khu vực bờ Bắc kênh Đôi (quận 8) cũng nao nức chờ ngày Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng kỹ thuật bờ Bắc kênh Đôi triển khai.

Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỉ đồng, xây dựng 4,3 km kè phía Bắc kênh Đôi, kết hợp nạo vét lòng sông, mở rộng đường giao thông dọc bờ Bắc. Ngoài ra, nơi đây còn xây dựng mới tuyến đường Nguyễn Duy nối dài từ hẻm 157 Hưng Phú đến cầu Chữ Y, xây dựng mới cầu Hiệp Ân, xây dựng 1 bến thủy nội địa cùng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên tuyến.

Dự án không chỉ cải tạo cảnh quan mà còn góp phần nâng cao chất lượng sống cho hàng ngàn hộ dân trong khu vực. Khi hoàn thành, toàn bộ nhà lụp xụp nằm trên và ven tuyến kênh được di dời, nhường lại không gian thoáng đãng tươi mới.

Chủ đầu tư 2 dự án trên là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố.

Theo đại diện ban này, Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm với tổng mức đầu tư trên 9.600 tỉ đồng đang được chuẩn bị các công việc liên quan.

Đến nay công tác lựa chọn nhà thầu gói thầu Tư vấn khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, lập mô hình thông tin công trình (BIM) đã xong. Tư vấn đang triển khai phần việc khảo sát, lập thiết kế.

Dự kiến thiết kế bản vẽ thi công đoạn Gò Vấp được phê duyệt tháng 4- 2024 và khởi công công trình 4 tháng sau đó. Với đoạn qua quận Bình Thạnh, thiết kế sẽ được phê duyệt tháng 10-2024, khởi công tháng 4-2025.

Cầu đường Nguyễn Khoái trong tương lai

Cầu đường Nguyễn Khoái trong tương lai

Với bờ Bắc kênh Đôi, theo vị đại diện, dự án đang trong giai đoạn tiến hành lập, thẩm định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, tiến hành công tác chuẩn bị bồi thường giải phóng mặt bằng.

"Dự án đã được UBND TP HCM giao vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư. Việc ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8 để tổ chức thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các trường hợp bị ảnh hưởng trong phạm vi dự án cũng đã được chuẩn bị. Từ đó, năm 2025 chi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công công trình" - đại diện chủ đầu tư thông tin.

"Chặt nút cổ chai, phá trận ùn ứ"

Ở trên bộ, trong tâm thế chờ đợi nhiều năm, nghe thông tin dự án cầu đường Nguyễn Khoái nối quận 7, quận 4 khởi công năm 2024, người dân phấn chấn bởi dự án không chỉ tạo trục đường mới liên kết khu Nam Sài Gòn (quận 7, 8, 4, huyện Nhà Bè) với trung tâm thành phố mà còn giúp giảm ùn tắc cầu Kênh Tẻ, đường Nguyễn Hữu Thọ cũng như những đường nội bộ quận 4.

Ngày nào cũng "trần ai" 2 lượt đi qua cầu Kênh Tẻ đón con đi học, ông Trần Văn Tấn (quận 4) cho hay bà con ở đây chờ đợi cây cầu này lâu lắm rồi, từ lúc nghe phong thanh quy hoạch đến giờ đã hơn 10 năm.

Tăng năng lực giao thông

Ở cửa ngõ phía Đông, một trong những dự án được kỳ vọng tăng năng lực giao thông cho cảng Cát Lái là mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ 7 m lên 30 m (đoạn cầu Giồng Ông Tố đến cầu Mỹ Thủy, TP Thủ Đức), dự kiến triển khai năm 2024, hoàn thành năm 2026.

Một số dự án khác cũng khởi công trong năm nay như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám; sửa chữa, nâng cấp một đoạn Tỉnh lộ 8; hai dự án nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1, cầu Bình Triệu 1…

"Nay dự án có chủ trương thực hiện, người dân tin tưởng sắp thoát khỏi cảnh xe máy, ô tô thi nhau "dàn trận" những giờ cao điểm trên những tuyến chính từ quận 4, quận 7 qua quận 1 và ngược lại" - ông Tấn nói.

Dự án cầu đường Nguyễn Khoái có tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỉ đồng, là công trình giao thông lớn nhất dự kiến khởi công quý IV/2024, hoàn thành năm 2027. Dự án có tổng chiều dài gần 5 km, trong đó phần cầu khoảng 2,5 km, phần đường dài hơn 2,3 km.

Theo chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, dự án đã được HĐND TP HCM thông qua điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự kiến quý IV/2024 tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công và khởi công xây dựng công trình, bao gồm các hạng mục cầu và đường dẫn phía quận 1. Năm 2025 hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công. Năm 2026-2027 tổ chức thi công và hoàn thành công trình.

Ở quận Bình Thạnh, một trong những công trình giúp xóa "nút thắt cổ chai" nhiều năm là dự án nâng cấp, mở rộng đường Chu Văn An đoạn từ ngã 5 Bình Hòa tới đường Phan Chu Trinh. Với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, mở rộng đoạn đường dài 600 m từ 5-6 m lên 23 m, công trình dự kiến khởi công cuối năm 2024, hoàn thành sau 1 năm.

Hiện nay, quận Bình Thạnh đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, dự kiến bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công vào quý III/2024.

Loạt công trình lớn sẵn sàng phục vụ

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố, cho biết trong năm 2024 đơn vị phấn đấu hoàn thành 38 công trình tiêu biểu. Đó là những công trình như xây dựng các cầu Nam Lý (thay thế đập Rạch Chiếc, TP Thủ Đức), cầu Rạch Đỉa (quận 7 - huyện Nhà Bè), cầu Phước Long (quận 7 - huyện Nhà Bè), cầu Bà Hom (quận Bình Tân).

Cùng với đó, nâng cấp, mở rộng đường Tên Lửa (đoạn từ Đường số 29 đến Tỉnh lộ 10); nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa); mở rộng, nâng cấp đường Dương Quảng Hàm (đoạn từ quận Bình Thạnh đến Công viên Văn hóa); xây dựng nút giao thông Mỹ Thủy…

Trong năm 2024, tuyến metro số 1 sẽ vận hành khai thác thương mại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong năm 2024, tuyến metro số 1 sẽ vận hành khai thác thương mại. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, đơn vị sẽ cùng các địa phương tiếp tục đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Dự kiến sẽ tiếp nhận mặt bằng để tiếp tục thi công 38 dự án, gói thầu của dự án Xây dựng đoạn kênh Hàng Bàng đường Mai Xuân Thưởng đến kênh Vạn Tượng; xây dựng nút giao thông An Phú; xây dựng cầu Ông Nhiêu trên đường Nguyễn Duy Trinh; xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý...

Một công trình đầy hứa hẹn khác, trong năm 2024, TP HCM hoàn thành, đưa vào khai thác tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên ở TP HCM được khởi công năm 2012, dài gần 20 km với tổng vốn hơn 43.700 tỉ đồng. Đến nay Metro số 1 đạt tổng khối lượng 97% và bên liên quan đang tập trung hoàn thiện các phần việc còn lại.

Có thể bạn quan tâm