Thời sự - Sự kiện

Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương khảo sát về giáo dục và đào tạo tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 30-8, tại Trụ sở Tỉnh ủy Gia Lai, đoàn công tác do đồng chí Vũ Thanh Mai-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi khảo sát về thực hiện công tác giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) trên địa bàn tỉnh.

Làm việc với đoàn có các đồng chí: Huỳnh Thế Mạnh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Thị Thanh Lịch-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy và một số sở, ngành.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ảnh: Mộc Trà
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Ảnh: Mộc Trà

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đỗ Tiến Đông đã báo cáo tóm tắt với đoàn công tác về kết quả và những vấn đề đặt ra sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tình hình triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, để tổ chức thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và các chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực GD-ĐT, tỉnh đã kịp thời ban hành các văn bản cụ thể hóa để các địa phương, đơn vị làm căn cứ triển khai; thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về Đổi mới GD-ĐT; chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển giáo dục; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục với 8 nhóm nội dung để tổ chức thực hiện xuyên suốt…

Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, sự nghiệp GD-ĐT của tỉnh đã có những chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả; đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trên toàn tỉnh. Quy mô trường, lớp tiếp tục được mở rộng; cơ sở vật chất ngày càng được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh tiếp tục được nâng lên. Trong đó, tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, tỉnh luôn đứng thứ 2 và 3 khu vực Tây Nguyên; kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, THCS và xóa mù chữ được duy trì.

Nhiều chỉ tiêu về GD-ĐT của tỉnh đã được cả hệ thống chính trị nỗ lực phấn đấu và đạt được kết quả khả quan như: tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt 59%; tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mầm non đạt 92,04%; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tiểu học đạt 99,9%, THCS đạt 93,6% và THPT đạt 57,5%...

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề xuất với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương một số nội dung liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh đề xuất với đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương một số nội dung liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà

Đối với chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã ban hành các văn bản liên quan và chỉ đạo ngành Giáo dục cụ thể hóa việc thực hiện theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của từng môn học, hoạt động giáo dục đảm bảo thời lượng quy định, hợp lý và khoa học, không gây áp lực cho học sinh; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức vào thực tế của học sinh…

Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại địa phương đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy trình, quy định. Công tác xây dựng, biên soạn, thẩm định, in và phát hành tài liệu giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh được thực hiện từ năm học 2020-2021 và đến nay, tỉnh đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương các lớp 1, 2, 3, 6, 7 và 10.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Mộc Trà

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã cùng trao đổi, làm rõ một số nội dung như: tình hình thiếu biên chế giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất giáo dục; tỷ lệ xã hội hóa trong giáo dục còn thấp so với trung bình chung cả nước; chính sách cho phát triển giáo dục mũi nhọn và giáo dục đại trà; khó khăn trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS; phân cấp, phân quyền trong lựa chọn sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; công tác dạy học theo chương trình mới và tổ chức thi tốt nghiệp THPT…

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh cho rằng, có 4 yếu tố quyết định trong việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, gồm: chương trình, sách giáo khoa; cơ sở vật chất; nguồn nhân lực và công tác quản lý giáo dục. Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề xuất cần có sự xem xét cơ chế đặc thù cho Gia Lai nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung khi quy định về tiêu chí, định mức phân cấp ngân sách từ Trung ương cho các tỉnh (kể cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia) và định mức phân bổ giáo viên. Việc thực hiện tinh giản biên chế của ngành Giáo dục cũng cần xem xét trong điều kiện Gia Lai đang thiếu giáo viên, nhân viên trầm trọng.

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Vũ Thanh Mai đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng như chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương mong muốn tỉnh tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về phát huy nhân tố con người; xác định được vai trò của GD-ĐT để tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW trong giai đoạn tiếp theo; quan tâm đến đội ngũ quản lý giáo dục, chính sách cho giáo viên; đổi mới phương pháp dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh…

Chia sẻ với những khó khăn của Gia Lai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho hay, đoàn sẽ tiếp thu, tổng hợp để tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ trong thời gian đến.

Có thể bạn quan tâm