Giáo dục

Giáo dục Gia Lai tiếp tục đổi mới toàn diện, thực chất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lời Tòa soạn: Ngày 4-11-2013, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Thực hiện nghị quyết này, 10 năm qua, tỉnh Gia Lai đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quyết tâm xây dựng một nền giáo dục đổi mới toàn diện, thực chất. Để hiểu rõ hơn về kết quả đạt được, P.V Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT).

*P.V: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật mà tỉnh đạt được trong 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT là tập trung đổi mới thực hiện chương trình; đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học; đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT; đổi mới thi tốt nghiệp THPT… Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị cũng được thực hiện gắn với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà

Ông Lê Duy Định-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD-ĐT. Ảnh: Mộc Trà

Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, nền giáo dục tỉnh nhà có nhiều khởi sắc. Theo đó, chất lượng và các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ trong các trường mầm non luôn được chú trọng. 100% trẻ được đảm bảo an toàn, không có tình trạng ngộ độc xảy ra. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm 1,65%; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm 1,63% so với năm học 2015-2016; 100% nhóm, lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. 100% cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng giáo dục được cải thiện, các kỹ năng của trẻ như kỹ năng ngôn ngữ, phát triển nhận thức… được phát triển tích cực. Môi trường giáo dục được cải thiện phong phú, đa dạng cho trẻ trải nghiệm, thực hành, khắc phục tình trạng dạy học thụ động, máy móc thường gặp trước đây.

Đến nay, quy mô dạy học 2 buổi/ngày bậc tiểu học đạt tỷ lệ 80,9%; trong đó đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh lớp 1, lớp 2 và lớp 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch. Cùng với đó, chất lượng giáo dục phổ thông cũng đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo trong độ tuổi đến lớp, tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi bậc tiểu học đều đạt và vượt chỉ tiêu Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 của Chính phủ. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng bền vững qua các năm (năm 2022 đạt 98,35%). Tỷ lệ học sinh phổ thông xếp loại học lực khá và giỏi, hạnh kiểm tốt hàng năm đều tăng.

Giáo dục vùng dân tộc thiểu số từng bước được nâng lên về quy mô và chất lượng. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được duy trì, giữ vững. Hoạt động ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng đào tạo từng bước được nâng lên.

Bên cạnh đó, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi được đặc biệt chú trọng, chất lượng học sinh giỏi tiếp tục được nâng cao. Kết quả thi học sinh giỏi cấp quốc gia THPT năm học 2022-2023 đạt 23 giải (1 giải nhất, 4 giải nhì, 11 giải ba, 7 giải khuyến khích) và có 2 học sinh được tham gia vào vòng thi chọn đội tuyển thi Olympic quốc tế.

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định tặng giấy khen cho các em học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt bồi dưỡng đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định tặng giấy khen cho các em học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong đợt bồi dưỡng đội tuyển tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2022-2023. Ảnh: Mộc Trà

*P.V: Ông có thể thông tin về một số mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, tập trung chăm lo cho sự nghiệp đổi mới giáo dục địa phương. Các cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể cũng tích cực tham gia cùng các trường học trong đổi mới GD-ĐT. Nhờ đó, nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được triển khai trên toàn tỉnh.

Đầu tiên là Chương trình giáo dục mầm non áp dụng phù hợp bối cảnh địa phương và đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học được triển khai thí điểm tại 7 xã thuộc các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro và thị xã An Khê (thuộc Dự án phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2012-2017 do Chính phủ New Zealand tài trợ). Từ năm 2018 đến nay, mô hình này đã được triển khai nhân rộng tại 100% cơ sở giáo dục mầm non của tỉnh. Qua đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được nâng cao năng lực chuyên môn, tự chủ xây dựng kế hoạch giáo dục; biết khai thác văn hóa địa phương để đưa vào chương trình giảng dạy phù hợp với bậc học mầm non và khả năng tiếp nhận của trẻ, đặc biệt là trẻ người dân tộc thiểu số. Việc áp dụng đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học được phân tích sâu vào các rào cản nhằm rút kinh nghiệm trong đổi mới phương pháp dạy học phù hợp, không gây áp lực cho giáo viên khi dự giờ; tạo không khí cởi mở, tích cực khi nhận xét giờ dạy.

Không dừng lại ở bậc mầm non, mô hình sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học cũng được đẩy mạnh ở tất cả các trường tiểu học và thay thế dần sinh hoạt chuyên môn truyền thống. Mỗi trường tổ chức ít nhất 1-2 lần/tháng nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng giờ dạy trên lớp một cách thiết thực, phù hợp, hướng vào học sinh. Từ đó, chất lượng học sinh đã được nâng lên rõ rệt.

Tiếp đến là mô hình bán trú dân nuôi tại huyện Phú Thiện. Với khoảng 60% học sinh là người dân tộc thiểu số, trong đó nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng không đủ điều kiện được hưởng chế độ bán trú ăn trưa theo quy định, có nguy cơ bỏ học, nghỉ học nên huyện đã tổ chức mô hình bán trú dân nuôi theo đặc thù của địa phương và đem lại kết quả khả quan.

Ngoài ra, thực hiện nghiệm thu, bàn giao kết quả giáo dục học sinh vào cuối năm học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các trường đã kiểm tra, rà soát chất lượng học sinh đầu năm để giao khoán chất lượng cho từng giáo viên, đánh giá theo từng giai đoạn học tập của học sinh. Điều này đã tạo được chuyển biến tích cực về chất lượng nói chung, đặc biệt là chất lượng học sinh dân tộc thiểu số.

Thêm vào đó, nhiều cơ sở giáo dục cũng triển khai hiệu quả mô hình ôn thi tốt nghiệp THPT bằng cách chia lớp ôn tập theo năng lực học sinh và phân công giáo viên bám sát theo năng lực học sinh để ôn tập. Qua đó góp phần duy trì và nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT hàng năm của tỉnh.

Nhiều cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả mô hình ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Ảnh: Mộc Trà

Nhiều cơ sở giáo dục triển khai hiệu quả mô hình ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Ảnh: Mộc Trà

*P.V: Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, tỉnh còn đối mặt với những khó khăn, bất cập nào trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Khó khăn lớn nhất là việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất để thu nhận trẻ mẫu giáo ra lớp, tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú nhằm nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ và học sinh trong các cơ sở giáo dục. Trẻ ra lớp ở các điểm trường lẻ tại thôn, làng thuộc xã phần lớn đều học lớp ghép; chưa được tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục như mục tiêu theo từng độ tuổi vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất.

Việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ và phát triển giáo dục mầm non còn nhiều hạn chế do người dân trên địa bàn các xã phần lớn làm nghề nông. Mạng lưới giáo dục ngoài công lập chưa phát triển mạnh để giảm áp lực giáo dục mầm non công lập... Chất lượng, hiệu quả giáo dục của tỉnh còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Công tác nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc huy động xã hội hóa giáo dục để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và dạy học 2 buổi/ngày khó thực hiện và còn nhiều bất cập; những vùng khó khăn hầu như không thực hiện được, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

*P.V: Để tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trên địa bàn, tỉnh đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì trong thời gian đến, thưa ông?

- Ông LÊ DUY ĐỊNH: Thời gian đến, tỉnh sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy những thành tựu giai đoạn trước, đồng thời phát triển những nhân tố mới. Bảo đảm tính hệ thống, liên thông giữa các cấp học, bậc học; đáp ứng các mục tiêu phát triển của quốc gia, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của các địa phương trong cả nước. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; chú trọng chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Cùng với đó, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục của tỉnh theo hướng mở, tinh gọn, phù hợp với đặc điểm từng vùng lãnh thổ, cơ cấu dân số và quy mô trẻ em, học sinh của từng địa bàn; đảm bảo tiếp cận giáo dục của người dân, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục gắn với nguồn lực thực hiện.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, phát triển GD-ĐT. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, giữa các vùng, miền, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn. Ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển GD-ĐT trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đảm bảo dành đủ quỹ đất cho GD-ĐT.

Mục tiêu đến năm 2025, Gia Lai sẽ cải thiện vị trí và trở thành tỉnh khá về đảm bảo công bằng và chất lượng GD-ĐT ở vùng Tây Nguyên.

*P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm